Về Tiên Lãng nghe kể chuyện các nhà sư liệt sỹ
Ngày 09/08/2016
Lượt xem: 15187

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc, các nhà sư yêu nước ở huyện Tiên Lãng đã tích cực tham gia cách mạng, hoạt động trong “Hội Tăng già cứu quốc”. Nhiều nhà sư bị địch bắt, tra tấn dã man, đã hy sinh anh dũng quyết bảo vệ an toàn cho cán bộ, bộ đội và dân quân du kích…

Theo tài liệu lưu giữ, “Hội Tăng già cứu quốc” huyện Tiên Lãng phát nguồn từ chùa Thắng Phúc (còn có tên Vọng Phúc ở thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng). Năm 1946, trụ trì chùa là nhà sư Tự Tâm Cẩn đã động viên tăng ni, phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần “Cởi áo cà sa mặc áo chiến bào…”, các nhà sư đã tiêu thổ chùa, một số đồ thờ tự bằng đồng, chuông đồng được đóng góp cho cách mạng để chế tạo vũ khí chiến đấu. 

Khi nhà sư Tự Tâm Cẩn viên tịch, các nhà sư, tăng ni, phật tử của chùa thực hiện lời di huấn của ông: “Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”. Người trẻ xung phong vào các đội du kích địa phương, các vị sư cao tuổi thì bám trụ tại chùa và lập “Hội Tăng già cứu quốc” nuôi giấu cán bộ, phục vụ kháng chiến. Từ đó, phong trào lan rộng khắp vùng, ghi dấu ấn những nhà sư cách mạng, góp phần làm rạng danh miền đất Tiên Lãng anh hùng.

Phóng viên đã tìm về chùa Bảo Khánh ở thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, nơi Hòa thượng liệt sĩ Thích Nguyên Uyển từng một thời trụ trì. Ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Kiến Thiết cho biết, Hòa thượng Thích Nguyên Uyển quê ở thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng, đệ tử thứ hai của nhà sư Tự Tâm Cẩn, được cử về trụ trì chùa Bảo Khánh năm 1942 khi mới 15 tuổi. Chùa Bảo Khánh trở thành cơ sở hoạt động của chi bộ Đảng xã Kiến Thiết năm 1946, đồng thời cũng là trung tâm chỉ đạo đấu tranh chống giặc càn của các cán bộ huyện Tiên Lãng và tỉnh Kiến An (cũ). Hòa thượng Thích Nguyên Uyển lúc này là Chủ tịch “Hội tăng già cứu quốc” huyện, đã tổ chức đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào.

 

Bằng Tổ quốc ghi công và ban thờ liệt sĩ Thích Nguyên Uyển ở chùa Bảo Khánh (xã Kiến Thiết).

 

Sáng 17-10-1951, quân Pháp mở đợt càn quét lớn vào chùa Bảo Khánh và vùng lân cận, Hòa thượng Thích Nguyên Uyển sa vào tay giặc, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung, giữ tuyệt đối an toàn cho cơ sở cách mạng. Trước khí tiết của ông, đến 10 giờ sáng cùng ngày, quân Pháp đã hèn hạ xả đạn điên cuồng sát hại Hòa thượng. Sau khi giặc rút quân, dân làng chùa Phú Xuân, xã Cấp Tiến đã chôn cất ông tại chùa. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 2004, Hòa thượng Thích Nguyên Uyển được Đảng, Nhà nước công nhận là liệt sỹ và truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

Một câu chuyện xúc động khác được kể lại ở xã Hùng Thắng, nơi nhà sư Thích Thanh Lãng hy sinh. Ông sinh ra năm 1900 tại thôn Sơn Đông, thuộc xã Tiên Thắng, là đệ tử trưởng của nhà sư Tự Tâm Cẩn và được cử về trụ trì chùa Dương Áo ở xã Hùng Thắng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia “Hội tăng già cứu quốc”, tích cực hưởng ứng và tổ chức các hoạt động trong Mặt trận Việt Minh huyện. Cũng như Hòa thượng Thích Nguyên Uyển, ông đã vận động người dân mua công trái quốc gia, ủng hộ kim loại để đúc súng đạn, gây quỹ ủng hộ kháng chiến và trực tiếp hỗ trợ nuôi dưỡng bộ đội, du kích trong vùng. Hòa thượng Thích Thanh Lãng còn mở lớp bình dân học vụ, vừa dạy quốc ngữ vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng.

Trưa 20-9-1952, quân Pháp càn vào chùa, Hòa thượng Thích Thanh Lãng bị bắt khi đang cất giấu tài liệu dưới gầm các pho tượng. Dù giặc dùng mọi thủ đoạn, từ mua chuộc đến tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ông. Buổi chiều cùng ngày hôm ấy, ông đã anh dũng hy sinh dưới làn đạn man rợ của kẻ thù, tại khu vực Đầm Vua ở cánh đồng làng Dương Áo. Năm 2005, Hòa thượng Thích Thanh Lãng được Đảng, Nhà nước công nhận là liệt sĩ.

Theo ông Lê Tất Dỉnh - Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Lãng, trong các cuộc kháng chiến cứu nước, huyện có 4.318 liệt sỹ, trong đó riêng kháng chiến chống Pháp đã có nhiều nhà sư hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Ghi nhận cống hiến đó, Đảng và Nhà nước đã công nhận liệt sỹ cho 6 nhà sư, ngoài Hòa thượng Thích Nguyên Uyển và Hòa thượng Thích Thanh Lãng kể trên, còn có  Hòa thượng Thích Quảng Tại - trụ trì chùa Đông Ninh, xã Tiên Minh; Hòa thượng Thích Thanh Quất - trụ trì chùa Bảo Khánh, thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng và 2 nhà sư Thích Tâm Bồng sinh 1922, Thích Tâm Thái sinh 1928, cùng trụ trì chùa Thiên Tộ, xã Bạch Đằng. Sau khi hy sinh, có nhà sư không còn người thân thích nên được an táng và thờ cúng ngay tại chùa, cũng có phần mộ nhà sư được chuyển về các nghĩa trang liệt sỹ tại địa phương để nhân dân bày tỏ tri ân, hoặc được gia đình đón về quê hương.

Như phần mộ phần của Hòa thượng Thích Thanh Quất ở nghĩa trang xã Hùng Thắng, năm 2013 việc thờ cúng được người thân chuyển về quận Kiến An.

Đại đức Thích Quảng Minh - Trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng, trụ trì chùa Thắng Phúc chia sẻ: “Với 106 ngôi chùa, Tiên Lãng là địa phương có nhiều chùa nhất trên địa bàn Hải Phòng. Sự hy sinh của các nhà sư liệt sỹ đã hòa vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những ngôi chùa nơi các nhà sư hy sinh giờ đây đều được công nhận là di tích lịch sử, không chỉ trở thành điểm hướng tâm của du khách thập phương, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng và tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam”.

 

Nguồn: anhp.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết