Những tháng cuối năm, hoạt động cải táng diễn ra nhiều tại tất cả các địa phương trên địa bàn toàn huyện. Đây cũng là mối lo ngại không nhỏ về những tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động này gây ra.
Thông thường, sau mỗi hoạt động cải táng đều phát sinh nhiều chất thải như: ván, vải, đồ tư trang được chôn theo người chết ….. Hầu hết chất thải trên chưa được thu gom, xử lý kịp thời mà thường bị vứt bừa bãi trên đường đi, kênh mương, trong các huyệt cũ làm mất mỹ quan và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường quanh khu vực.
Hoạt động vệ sinh xương của người chết mang nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước: Phần lớn các gia đình đều chủ động mang theo nước sạch từ trong dân cư ra để thực hiện việc rửa xương trong quá trình cải táng, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân mang xương rửa tại sông, kênh gần khu vực nghĩa trang. Việc làm này đã đưa vào nguồn nước một lượng chất gây ô nhiễm khá lớn mà ít được người dân quan tâm.
Công tác bảo đảm an toàn trong quá trình cải táng cũng là vấn đề đáng lo ngại: Những người thực hiện hoạt động cải táng thường chỉ dùng dụng cụ bảo hộ đơn giản như găng tay cao su, ủng và khẩu trang vải; có người tay không, chân đất mò và rửa xương.
(Ảnh minh họa)
Liên quan đến vấn đề về môi trường nghĩa trang nghĩa địa đã có những chủ trương, chính sách được ban hành:
Công tác qui hoạch Nghĩa trang, nghĩa địa cũng được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm (Quy hoạch nghĩa trang nghĩa địa là một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới). Tuy nhiên việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch nghĩa trang nghĩa địa gặp không ít kho khăn do tư tưởng người dân không muốn mang người thân của mình chôn cất, cải táng sang thôn khác, do quỹ đất, do kinh phí quy hoạch nâng cấp nghĩa trang nên việc tận dụng nghĩa trang cũ (cả khu tập trung cả khu nhỏ lẻ, xen kẽ với đồng lúa, không có hệ thống tiêu thoát nước riêng) vẫn diễn ra.
Công tác tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường trong quá trình cải táng cũng được địa phương đề cập xong chưa thường xuyên, liên tục, ý thức người dân chưa được cải thiện, hiện tượng mất vệ sinh môi trường tại khu vực nghĩa trang, nghĩa địa diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Trước thực tế trên, Đồng thời với việc tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về những tác động tiêu cực đến môi trường, những biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động cải táng của chính quyền các địa phương thì các hộ gia đình khi tiến hành cải táng người thân cần nâng cao ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn trong hoạt động cải táng. Coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mỗi người dân, góp phần bảo vệ môi trường chung và cũng là bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta.
Phạm Bích