Tăng trợ cấp hằng tháng cho quân nhân phục viên; hỗ trợ kinh phí bảo vệ, phát triển rừng ven biển; quản lý tiền lương; bộ trưởng chịu trách nhiệm cao trong hoạt động của Bộ; sửa đổi quy định về cai nghiện bắt buộc... là các quy định sẽ có hiệu lực trong tháng 10.
Tăng trợ cấp hằng tháng cho quân nhân
Thông tư 130/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, có hiệu lực thi hành từ 25-10, quy định:
Điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với các đối tượng trên, tính theo công thức:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 1-1-2016 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2015 + 150.000 đồng.
Mức hưởng cụ thể theo số năm công tác sau khi đã điều chỉnh như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.535.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.605.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.674.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.743.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.812.000 đồng/tháng.
Các đối tượng được điều chỉnh tăng mức trợ cấp hằng tháng kể từ ngày 1-1-2016.
Hỗ trợ kinh phí bảo vệ, phát triển rừng ven biển
Từ ngày 10-10, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành;
Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.
Được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển. Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.
Nghị định số 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 10-10 quy định.
Quản lý tiền lương đối với Viettel
Chính phủ thí điểm cho phép công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương) trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011-2015 khi đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.
Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Nghị định 121/2016/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10; các quy định trên được thực hiện từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2020.
Đề cao trách nhiệm của bộ trưởng
Từ ngày 15-10, tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Hoạt động của Bộ phải được công khai, minh bạch, hiện đại hóa; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, bộ trưởng;
Đề cao trách nhiệm của bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ;
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-10.
Sửa đổi quy định về cai nghiện bắt buộc
Từ 30-10, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện;
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Tăng thời gian lao động trị liệu của học viên từ ba giờ/ngày lên không quá bốn giờ/ngày; học viên được nghỉ lao động trị liệu trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định. Đặc biệt, không tổ chức lao động trị liệu cho học viên trong thời gian cắt cơn giải độc.
Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 30-10.