Công nghệ thông tin đã và đang có vai trò hết sức quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Xác định ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính nhằm tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự thông suốt hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, huyện Tiên Lãng luôn quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp, biện pháp khoa học, đồng bộ và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020, Tiên Lãng xếp thứ 5/15 quận, huyện; xếp thứ 3/15 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương DDCI; Chủ tịch UBND huyện xếp thứ 1/15 quận, huyện chấm điểm đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ. Kết quả này khẳng định - việc đầu tư, ứng dụng, khai thác, vận hành hiệu quả Công nghệ thông tin - chính là chìa khoa mở ra sự thành công trong cải cách hành chính. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội còn không ít khó khăn, thiếu thốn, song hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính năm 2021 và lộ trình đến năm 2025 trên địa bàn huyện có nhiều tín hiệu tích cực, khả quan.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Năm 2021, huyện Tiên Lãng tiếp tục lựa chọn cải cách hành chính là một thành tố trong chủ đề hành động “Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài chính; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Qua đó khẳng định, cấp uỷ chính quyền huyện Tiên Lãng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực cải cách hành chính, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất cơ chế một cửa, một cửa liên thông; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh hiện đại hoá nền hành chính, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. UBND huyện chủ động ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2021; kế hoạch thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước năm giai đoạn 2021 – 2025.
Trụ sở Huyện uỷ Tiên Lãng
Trụ sở Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân huyện Tiên Lãng
Trong năm, huyện tổ chức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết không gây phiền hà, sách nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực thi nhiệm vụ và kỷ luật, kỷ cương công vụ tại các cơ quan trực thuộc; thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính và việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại 10 xã, thị trấn gồm: Đại Thắng, Tự Cường, Cấp Tiến, Bạch Đằng, Thị trấn, Quang Phục, Tiên Minh, Toàn Thắng, Hùng Thắng, Tây Hưng và 2 phòng chuyên môn là Kinh tế và Hạ tầng, Văn hóa và Thông tin. Đặc biệt, là huyện thuần nông, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, song Huyện uỷ - UBND huyện quan tâm chỉ đạo, đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ứng dụng vào hoạt động điều hành nói chung và phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính nói riêng.
Huyện Tiên Lãng hướng đến cải cách hành chính bằng phương châm tận tình - minh bạch -chính xác - đúng hẹn
Hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính
Ông Bùi Văn Đồi, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tiên Lãng cho biết: “Hiện tại, 12 phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện có chung đường truyền internet tốc độ cao 100Mbps, kết nối mạng LAN nội bộ, kết nối mạng WAN diện rộng; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính. 21/21 xã, thị trấn có mạng internet, kết nối mạng LAN nội bộ; 90% công chức xã có máy vi tính”.
Công chức Bộ phận "một cửa" tiếp nhận hồ sơ của công dân
UBND huyện triển khai ứng dụng, vận hành phần mềm quản lý văn bản HP-eOffice vào hoạt động của các phòng chuyên môn, xã, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Đến nay 100% các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thực hiện nhận và gửi văn bản qua hòm thư điện tử, giúp cho hoạt động chuyên môn thuận lợi hơn, giảm giấy tờ hành chính. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 vào hoạt động quản lý nhà nước tại cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện tốt. Tại Bộ phận “một cửa” của UBND huyện và các xã, thị trấn có trang bị các trang thiết bị, máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy scan văn bản, tủ gỗ đựng tài liệu, có máy tính trang bị phần mềm dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ phận “một cửa” của huyện lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát được nối tới các máy tính của Lãnh đạo UBND huyện và Lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ ở bộ phận này thường xuyên được tập huấn sử dụng thành thạo máy vi tính, phần mềm chuyên ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng phát biểu tại hội nghị triển khai công tác cán bộ
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng khẳng định: “Nhận thức tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với công tác cải cách hành chính, nên cấp uỷ chính quyền từ huyện tới cơ sở luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đầu tư, trang bị cơ sở vật chất. Từ sự liên kết do công nghệ thông tin tạo ra trong bộ máy hành chính mà cán bộ thụ lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đồng thời giúp việc tra cứu, tìm kiếm, in ấn, thống kê báo cáo được dễ dàng hơn. Qua đó góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân”.
Thu hoạch trái ngọt
Từ sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính nói chung và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước nói riêng đã góp phần giúp huyện Tiên Lãng ngày càng thu hoạch nhiều “trái ngọt”. Chất lượng công tác cải cách hành chính được thành phố, sở ban ngành thành phố và người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Kết quả năm 2020, chỉ số cải cách hành chính huyện Tiên Lãng xếp thứ 5/15 quận, huyện đạt 89,31 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2019; xếp thứ 3/15 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương DDCI; Chủ tịch UBND huyện xếp thứ 1/15 quận, huyện chấm điểm đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao đối với sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND quận, huyện; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức xếp thứ 9/15 quận, huyện.
Người dân khai báo thông tin tại Bộ phận "một cửa" huyện Tiên Lãng
Người dân làm thủ tục hành chính tại xã Kiến Thiết
Hiện nay, UBND huyện đã giao cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (HĐND và UBND) đóng quyển, niêm yết công khai 251 thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính và Cổng thông tin điện tử của huyện; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính đang áp dụng tại Bộ phận “Một cửa”. 251 thủ tục bao gồm ở các lĩnh vực: Tư pháp, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động -Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và gia đình, Công thương, Thanh tra, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Tài chính.
Huyện Tiên Lãng niêm yết công khai các thủ tục hành chính
Về quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính, các cơ quan chuyên môn phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND huyện bố trí, phân công công chức thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện. Trong quá trình thực hiện tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận luôn đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, niêm yết công khai quy chế hoạt động, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính, bảng thu phí, lệ phí…
Ông Phạm Xuân Hoà, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện cho biết: “Với phương châm tận tình – minh bạch – chính xác – đúng hẹn, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 10/11/2021, Bộ phận “một cửa” huyện tiếp nhận, yêu cầu giải quyết 3662 hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó đã giải quyết 3616 hồ sơ đúng hạn, đang giải quyết 46 hồ sơ chưa đến hạn, không có hồ sơ quá hạn; số lượng hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp huyện là 132 hồ sơ, số lượng hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp huyện là 338 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cấp xã là 1494 hồ sơ, số lượng hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích là 142 hồ sơ. Dịch vụ hành chính công mức độ 3 là 33. dịch vụ. Dịch vụ hành chính công mức độ 4 là 80 dịch vụ. Trong những tháng qua, không có đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về quy định hành chính hay hành vi gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức đối với công dân, tổ chức”.
Đông đảo Nhân dân làm thủ tục hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh COVID - 19
Công chức Bộ phận "một cửa" bàn giao hồ sơ dịch vụ bưu chính công ích
Trao đổi với chị Đỗ Thị Thu Hiền, Công chức Văn phòng HĐND và UBND huyện, phụ trách lĩnh vực thu phí – lệ phí, nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Bộ phận “một cửa”, chị Hiền nêu rõ: “đội ngũ công chức tại bộ phận ngoài có thái độ, tinh thần làm việc nghiêm túc, cầu thị còn phải có trình độ công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo máy móc hiện đại góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để tình trạng vướng mắc thủ tục, giúp người dân, doanh nghiệp bớt thời gian đi lại, tiến hành làm thủ tục nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn”.
Khó khăn, hạn chế
Tuy đạt kết quả bước đầu tích cực, song hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính tại huyện Tiên Lãng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng đổi mới, hiện đại. Bộ phận “một cửa” huyện chưa được trang bị máy lấy số xếp hàng tự động, chưa có màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục hành chính. Máy vi tính của cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trang bị đã lâu, cấu hình thấp, tốc độ chậm. Đường truyền internet của cấp xã tốc độ thấp, dẫn đến hệ thống hội nghị trực tuyến bị gián đoạn. Nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền số và chuyển đổi số còn thiếu, trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin hạn chế. Việc thực hiện duy trì, áp dụng, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại một số địa phương chưa thực hiện đủ các quy trình của Hệ thống như việc đánh giá nội bộ, họp xem xét lãnh đạo, nhận diện bối cảnh, đánh giá rủi ro. Hoạt động của Bộ phận một cửa một số đơn vị cấp xã chưa hiệu quả; việc cập nhật và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích nhiều đơn vị còn thấp; một số loại phần mềm chưa được trang bị đầy đủ, chưa đảm bảo được yêu cầu của công nghệ số trong cập nhật và chuyển giao dữ liệu…
Việc lệ thuộc vào việc khai báo văn bản giấy gây mất thời gian của người dân, doanh nghiệp
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do huyện còn khó khăn về kinh tế, kinh phí chi cho mua sắm trang thiệt bị, cơ sở vật chất công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản, sao lưu dữ liệu và lưu trữ số chưa cao. Công tác chỉ đạo, điều hành về thực hiện cải cách hành chính tại một số đơn vị cấp xã chưa thực sự quyết liệt; việc đôn đốc thực hiện công tác cải cách hành chính còn chậm, mang tính hình thức…
Giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng cho biết thêm: “Bám sát sự chỉ đạo của thành phố và nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện ban hành kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, huyện Tiên Lãng phấn đấu 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trưởng mạng; 80% cơ quan hành chính nhà nước huyện và các xã, thị trấn có sử dụng chữ ký số đối với các văn bản điện tử được phát hành và lưu chuyển trên hệ thống mạng; 40% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 40% giao dịch trên hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố được xác thực điện tử; 30% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền thành phố; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp trang thiết bị Bộ phận một cửa huyện và các xã, thị trấn đảm bảo hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp…”.
Nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, huyện Tiên Lãng tập trung phát triển mở rộng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tiến tới hình thành hạ tầng số, ứng dụng nền tảng điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực Giáo dục đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ, các ngành dịch vụ như thuế, ngân hàng, thương mại, du lịch phù hợp với tiến trình hội nhập và xây dựng chính quyền điện tử của thành phố. Các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn quan tâm nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; sử dụng tốt các phần mềm số hoá tài liệu, bảo quản lưu trữ hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ; lập hồ sơ công việc và quản lý, lưu trữ tài liệu điện tử; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ quản trị, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin cho bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan hành chính nhà nước…
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến các mức độ giúp Nhân dân, doanh nghiệp giảm bớt thời gian, công sức đi lại
Thời đại công nghệ 4.0, máy móc, công nghệ hiện đại tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực hành chính nhà nước tiếp cận, khai thác và sử dụng triệt để ưu thế công nghệ thông tin để giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngành thuế chuyển đổi sang hệ thống hoá đơn điện tử, tiến tới bỏ hoàn toàn hoá đơn giấy. Ngành ngân hàng có những sản phẩm dịch vụ mới như M-POS, ví điện tử, công nghệ thẻ chip, Mobile Banking, Internet banking. Ngành bảo hiểm xã hội kê khai nộp bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến, ứng dụng bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động, hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4. Ngành điện tổ chức thanh toán tiền điện qua phần mềm của hệ thống ngân hàng liên kết…
Trung tâm huyện Tiên Lãng ngày càng khang trang, đổi mới
Trên cơ sở kết quả đạt được, nhìn nhận thẳng thắn vào khó khăn, hạn chế, huyện Tiên Lãng đã và đang có bước đi, lộ trình phù hợp, khoa học để ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền số, ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực và nhất là cải cách hành chính, đích đến là tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hi vọng rằng với cơ chế quyết liệt của thành phố, sự quan tâm của Huyện uỷ - HĐND – UBND huyện, sự năng động, sáng tạo của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, sự nỗ lực, cống hiến của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của xã hội, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, phồn thịnh, văn minh và giáu đẹp.
Nguyễn Văn Hải
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện Tiên Lãng