Đỗ Văn Bước sinh năm 1938 ở làng Thái Lai xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1952, anh được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc cho xã Đoàn xã Cấp Tiến. Tuy tuổi nhỏ nhưng với tinh thần hăng hái, dũng cảm, gan dạ, mưu trí, với nhiệm vụ đưa cán bộ hoạt động ở 2 xã Kiến Thiết và Đoàn Lập.
Ban ngày Bước cải trang đi tìm trâu, bắt cá che mắt bọn địch, ban đêm dẫn đường cho cán bộ xã, huyện, tỉnh và bộ đội vượt đường 354, đường 25 và sông Thái Bình về công tác ở địa phương. Nhiệm vụ được giao vừa chuyển tài liệu từ thôn lên xã, lên huyện, vừa chuyển tài liệu từ cấp trên về, nhiệm vụ nào được giao anh cũng hoàn thành. Anh luôn tìm hiểu hoạt động của địch, bọn chúng thường đi tuần tra vào 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều để phục kích bắt cán bộ vào lúc chạng vạng tối, 11 giờ trưa hoặc 3 - 4 giờ sáng. Biết vậy, anh thường dẫn cán bộ đi chệch giờ. Do sự mưu trí, phán đoán và che mắt địch, nhiều lần anh dẫn cán bộ xã, huyện, tỉnh và bộ đội vượt đường 212, đường 25 đều không bị chúng phát hiện. Trong một lần chuyển tài liệu cấp trên, khoảng 12 giờ trưa, vừa đi đến cây đa đầu làng Phú Xuân, mấy tên lính phục kích ập ra túm cổ áo anh Bước, nói: "Thằng nhỏ liên lạc, đưa thư cho Việt Minh". Vừa nói chúng vừa khám người, khám gầu tát nước. Em thản nhiên trả lời: "Tôi đi tát nước lúa về", khám xét không thấy gì, chúng cho em đi. Bước cười thầm, chúng mày khám sao thấy được, thư tao cuộn nhỏ cho vào chân sào gầu, ngoài bịt đất, làm sao mà thấy được.
Cuối năm 1952, trong một trận càn vào làng Thái Lai, giặc bắt được hai anh Đỗ Văn Thao - Văn phòng chi uỷ và Nguyễn Văn Vãng - xã đội phó, cùng trong một hầm bí mật. Chúng đem hai anh về sân nhà các anh. Lúc đầu địch dùng biện pháp mua chuộc, nhưng không có kết quả. Chúng tra tấn hai anh cực kỳ dã man, đổ nước uống no, dùng cối đá đè lên bụng, nước ở bụng vọt ra đằng mồm, hậu môn; chúng lại dùng nước ớt, nước giải, nước điếu đổ vào mặt. Các anh nghiến răng chịu đựng. Cuộc tra tấn từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều vẫn chưa moi được điều gì. Sau cùng, chúng dùng cực hình, lấy cọc tre nhọn đóng qua ngực sâu xuống đất. Trước lúc hy sinh, các anh còn hô: "Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm". Đêm hôm đó, sau buổi lễ truy điệu và mai táng hai anh về, Đỗ Văn Bước nói: "Quân giặc tàn ác quá, chúng ta quyết noi theo và trả thù cho các anh".
Trận càn Cờ lốt (Claude) tháng 8/1953, ngày 29/8 địch huy động hơn 200 quân chia làm nhiều mũi, đánh vào làng Thái Lai, xã Cấp Tiến. Lực lượng của ta có hai tiểu đội du kích, kết hợp 1 tiểu đội bộ đội chủ lực của huyện. Trên trời máy bay do thám chỉ huy, đại bác của địch từ núi Đối (Kiến Thuỵ), Kiến An, Vĩnh Bảo liên tục bắn dữ dội vào làng, dẫn đường cho bộ binh càn vào làng. Lực lượng du kích và bộ đội đánh trả quyết liệt. Suốt ngày hôm đó, làng Thái Lai chìm trong lửa đạn. Các chiến sĩ bộ đội và du kích sát cánh bên nhau đánh trả quyết liệt, đối mặt sống chết với quân thù. Anh Bước lao như mũi tên trong làn đạn, truyền lệnh đến từng ụ súng, động viên các chiến sĩ chiến đấu. Đến 5 giờ chiều, địch tấn công trên 10 lần đều bị bẻ gẫy. Trước sự quá chênh lệch về lực lượng, cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Quân ta chiến đấu ngoan cường, bắn đến viên đạn cuối cùng. Để bảo toàn lực lượng du kích và bộ đội, ta được lệnh rút xuống hầm bí mật. Quân giặc tràn vào làng, lùng sục, càn quét cướp phá tài sản, bắn giết gây nhiều tội ác với nhân dân. Cùng xuống hầm với anh Bước, có anh Lương Văn Phê - Phó Bí thư xã Đoàn, Đỗ Văn Tuộc - bộ đội huyện, Đỗ Văn Vùng - Chủ tịch Liên việt, Đỗ Thị Hỏi - Đội trưởng thiếu niên, cứu thương du kích xã. Một căn hầm ngóc ở bờ ao cụ Cỏ, qua lỗ thông hơi, nhìn thấy bọn địch đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, đánh đập nhân dân. Anh Bước ngồi trong hầm hừng hực căm thù địch, tay cầm lựu đạn định chui ra khỏi hầm để tiêu diệt địch trả thù cho nhân dân. Nhưng thấy không có lợi, vì dễ bị lộ ảnh hưởng tới tính mạng 5 người. Anh nghĩ thôi, đến đêm sẽ liệu. Các anh chị trong hầm nhắc nhau hứa không may ai bị bắt, phải noi theo gương anh Thao, anh Vãng quyết không khai báo trước quân thù. Đến nửa đêm anh Bước ra khỏi hầm, để liên lạc với bên ngoài. Anh nghĩ: "Đây là cơ hội tốt nhất, không tiêu diệt địch cũng hoài". Sau phút bàn bạc với đồng đội, anh mang theo 3 quả lựu đạn ra khỏi hầm, rồi bò đến nơi địch đóng quân. Vì đây là dịp để tiêu diệt địch, chúng ngủ la liệt ở sân vườn. Anh ném hai quả lựu đạn làm hàng chục tên giặc chết và bị thương, chúng kêu la inh ỏi, số còn lại chạy toán loạn. Địch bắn pháo sáng, đại bác ở khắp nơi bắn về, các loại súng bắn loạn xạ. Đúng lúc đó, tiếng kêu thất thanh "Nó đây rồi". Chúng bắt được anh Bước. Vì anh bị thương gãy chân, nằm sau nhà cụ Cỏ. Chúng dụ dỗ ngon ngọt khai hầm bí mật, khai ra cán bộ sẽ được tha. Anh trả lời: "Hầm bí mật để cán bộ ẩn chứ không phải để khai cho chúng mày". Chúng hỏi: "Du kích đâu?". Anh Bước trả lời: "Đây tao là du kích". Dụ dỗ không được, chúng tra tấn anh rất dã man, tung người lên thả xuống, tra tấn suốt đêm cho đến sáng, anh chết đi sống lại nhiều lần, nhưng vẫn một mực không khai một lời. Ngồi dưới hầm 4 cán bộ cùng hầm với anh rất lo lắng, vì tính mạng của mình nằm trong tay anh. Nếu anh không chịu được cực hình tra tấn, thì chắc chắn các anh chị bị bắt và sẽ hy sinh. Những đòn thù dã man nhất của kẻ thù đã tra tấn anh, mới 15 tuổi, nhưng anh có sức mạnh tinh thần vượt qua những đòn tra tấn dã man, dụ dỗ không lay chuyển được ý chí của người đội viên du kích kiên cường dũng cảm. Biết mình không thể thoát chết, anh chửi rủa bọn giặc và tay sai. Trước lúc hy sinh anh hô:
"Đả đảo thực dân Pháp xâm lược
Việt Nam Độc lập muôn năm
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Cuối cùng bọn Pháp và tay sai đê hèn, lấy dao mổ bụng, moi gan và cắt cổ anh. Anh Đỗ Văn Bước đã anh dũng hy sinh, người đội viên du kích 15 tuổi đã ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bọn giặc khiếp vía bảo nhau "Thằng nhỏ cộng sản gan thật". Chiều hôm sau, bọn địch rút khỏi làng Thái Lai, chính quyền, đoàn thể, dân làng, cùng các cán bộ làm lễ truy điệu trong sự thương tiếc vô hạn người đội viên du kích dũng cảm. Ai cũng ghi sâu trong lòng quyết tâm trả thù cho anh.
Đỗ Văn Bước tấm gương hy sinh, dũng cảm, cháu ngoan Bác Hồ người liên lạc mưu trí, đội viên du kích gan dạ, bất khuất được lan truyền toàn xã Cấp Tiến, toàn huyện và tỉnh Kiến An, phát động thanh thiếu niên học tập, noi theo anh Bước. Đại đội 295 làm lễ truy điệu và nêu cao tinh thần quyết chiến để trả thù cho Đỗ Văn Bước và cho quê hương đất nước.
Sự chiến đấu hy sinh, bảo vệ cán bộ, người liên lạc dũng cảm của liệt sĩ Đỗ Văn Bước được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng nhất. Năm 2008, anh được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.