Sau mưa bão, môi trường sống của nhiều loại động, thực vật bị thay đổi. Nhiều loại thực vật, cây cối bị chết, bị rụng lá, các loại động vật nhỏ như giun, côn trùng, rắn, chuột... bị chết do ngâm lâu trong nước hoặc do thiếu thức ăn. Những “sản phẩm” này nhanh chóng bị thối rữa ngay sau khi nước rút và mang mầm bệnh. Đó chính là những nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
- Phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi, hương xua muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Tẩm hóa chất chống muỗi vào chăn màn, rèm. Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ và gáo dừa, lốp xe. Đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở.
- Vệ sinh ăn uống: Luôn luôn thực hiện “ăn chín, uống sôi ”, tất cả thức ăn, nước uống đều phải nấu chín kỹ, đun sôi rồi mới ăn uống và nên ăn uống khi thức ăn còn nóng, tránh để lâu. Mọi người sau khi tiếp xúc với môi trường, sau lao động, sau khi đi vệ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng.
-Giữ gìn vệ sinh trong chế biến thức ăn: các dụng cụ nấu ăn, bát đũa, cốc chén phải rửa sạch, phơi khô ráo mới sử dụng. Nếu bát đũa vừa rửa mà cần dùng ngay thì phải tráng bằng nước sôi. Thức ăn đã nấu chín phải đậy kín bằng lồng bàn để tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, mưa gió, bụi bặm làm nhiễm bẩn.
-Không ăn đồ ăn sống như: các loại rau sống, rau thơm. Không ăn tiết canh lợn, vịt, ngan, dê… vì tiết canh sống có nhiều loại vi khuẩn sẽ gây tiêu chảy, ngộ độc.
- Vệ sinh nguồn nước sinh hoạt: nước dùng ăn, uống phải được xử lý vệ sinh sạch sẽ. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng.
- Đặc biệt, nên phun hóa chất xử lý môi trường kịp thời để phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong và sau lũ lụt.
Phạm Bích (Phòng Tài nguyên môi trường) (st)