Ở nơi đầu sóng ngọn gió, trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Tiên Lãng đã đoàn kết, đấu tranh kiên cường, bất khuất để xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang. Trong đó, bản hùng ca oanh liệt, xuất sắc nhất là chiến công phá tan trận càn Cờ lốt của thực dân Pháp tháng 8/1953 được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Phát huy truyền thống anh dũng phá càn thắng lợi, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tiên Lãng ra sức thi đua, giành thêm thành tựu mới trên toàn diện các lĩnh vực: chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Những kết quả này càng tô thắm bức tranh quê hương Tiên Lãng giàu truyền thống lịch sử văn hoá, truyền thống đấu tranh cách mạng, đang viết tiếp bản hùng ca trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Nằm giữa hai con sông lớn là Thái Bình và Văn Úc, một mặt giáp biển, huyện Tiên Lãng có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Với nhiều tên gọi khác nhau, từ đời Vua Thành Thái nhà Nguyễn 1889 đổi thành Tiên Lãng và giữ cho đến ngày nay. Theo phiên âm Hán Việt, Tiên Lãng nghĩa là nơi đón ánh sáng bình minh trước tiên. Là huyện giàu truyền thống lịch sử, yêu nước, chống giặc ngoại xâm và văn hoá, tín ngưỡng dân gian độc đáo hình thành gắn liền với nền văn minh lúa nước. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến lễ hội Ngũ Linh từ cùng 56 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, thành phố. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tiên Lãng là cái nôi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng của cả một vùng duyên hải. Chi bộ Đảng, tiền thân của Đảng bộ huyện thành lập ngày 15/2/1946.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân dân Tiên Lãng chiến đấu 1342 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương, bắt sống hơn 5500 tên địch. Và chiến công oanh liệt, xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất là chiến công đập tan trận càn quy mô lớn mang tên Cờ lốt (tức quả chuông) của thực dân Pháp.
Với âm mưu triệt phá địa bàn đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, tiêu diệt lực lượng bộ đội, du kích, triệt phá nơi cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến, sáng sớm ngày 28/8/1953, thực dân Pháp mở trận càn Cờ lốt, huy động 2 binh đoàn cơ động chiến lược, cùng các đơn vị phối thuộc, vũ khí hiện đại như xe lội nước, tàu chiến, ca nô, trọng pháo và nhiều máy bay yểm trợ... chia làm 5 mũi ồ ạt tấn công vào huyện Tiên Lãng.
Trong thế trận chênh lệch về cả vũ khí, nhân lực, vật lực, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, Ban chỉ đạo chống càn, lực lượng vũ trang huyện, dân quân du kích cùng các đơn vị bộ đội phối hợp chặt chẽ sử dụng hiệu quả nhiều loại vũ khí, mưu trí, linh hoạt giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, vận dụng lối đánh du kích, kết hợp tổ chức phục kích độn thổ, tập kích quân địch.
23 ngày đêm anh dũng kiên cường chiến đấu phá càn, từ ngày 28/8 đến 20/9/1953 đối với huyện Tiên Lãng là dấu mốc không thể nào quên và rất đỗi tự hào, nhất là với những người trực tiếp tham gia trận chống càn năm xưa. Ký ức vẹn nguyên về ngày tháng chiến đấu ác liệt, không quản ngại gian khổ, hi sinh, mất mát, cùng làm nên những chiến thắng vang dội, khiến quân địch khiếp vía, kinh hồn.
Ghi nhận chiến công anh dũng phá càn thắng lợi, ngày 29/9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi và tặng thưởng huyện Tiên Lãng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, toàn huyện có 4.333 liệt sĩ, 521 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.200 thương bệnh binh, là một trong những địa phương số người có công nhiều nhất thành phố
70 năm qua, phát huy truyền thống quê hương và truyền thống anh dũng phá càn thắng lợi, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn huyện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, đánh thức tiềm năng, tạo nên sự tiến bộ, thay đổi rõ rệt. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, từ một huyện nông nghiệp, đất đai chua mặn, kinh tế nhiều mặt còn yếu kém, khó khăn, đến nay, huyện Tiên Lãng là một trong những đơn vị có bước tăng trưởng phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ phát sinh, mới và rất khó, được thành phố biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, thành phố, huyện Tiên Lãng đã thu hút nhiều nguồn vốn xây dựng và hoàn thiện công trình kết cấu hạ tầng, điểm nhấn là các công trình giao thông trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện, cải tạo nâng cấp tuyến đường từ ngã ba đường Rồng đến ngã ba Đoàn Lập - Cầu Hàn, Quốc lộ 37; tuyến đường từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến tuyến đường bộ ven biển; nâng cấp, cải tạo tuyến đường phòng chống lụt bão và trục liên xã, đoạn từ ngã ba Quán Cháy đi cống C4; tuyến đường bao phía Nam kênh Huyện Đội, thị trấn Tiên Lãng, nâng cấp cải tạo đường tỉnh 354 đoạn từ cầu Khuể đến cầu Minh Đức... Qua đó, góp phần thúc đẩu chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Trên địa bàn huyện có 01 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đã được thành lập, gồm: Khu công nghiệp Tiên Thanh diện tích hơn 410 ha, các Cụm công nghiệp Thị trấn, Đại Thắng, Tiên Cường 2, Quang Phục. Trong đó, Cụm công nghiệp Thị trấn được lấp đầy với 11 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn luôn hoạt động ổn định, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho gần 15 nghìn lao động địa phương như nhà máy đóng tàu Thái Bình Dương, công ty Thuận Ích, Sao Vàng, Sunvigor, Evergreen, Hoa Thành...; đồng thời phát triển các hoạt động dịch vụ kèm theo. Góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đạt 14.240 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng đạt 12,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, hơn 10 năm qua, cấp uỷ chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan ban ngành đoàn thể và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân, huyện Tiên Lãng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 100% các xã về đích nông thôn mới từ năm 2019. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí và được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Với phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, từ năm 2020, huyện tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; triển khai thi công 188 công trình, tổng mức đầu tư hơn 875 tỷ đồng với 162 công trình nâng cấp cải tạo đồng bộ, đảm bảo sáng – xanh - sạch - đẹp các tuyến đường chiều dài hơn 98km, cùng các công trình giáo dục, văn hóa, y tế và môi trường, đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 70 công trình, các công trình còn lại ước khối lượng thi công đạt 85%. Nhờ cách làm công khai, minh bạch, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân các xã tự nguyện chung sức, đồng lòng, hiến gần 50 nghìn m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp để thi công xây dựng công trình nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ động khai thác tiềm năng thế mạnh nông nghiệp nông thôn địa phương, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Huyện Tiên Lãng đã quy hoạch và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh về cây trồng tập trung như Lúa giống, lúa đặc sản, lúa thương phẩm, khoai tây, dưa hấu, dưa chuột, hành tỏi, cà chua…; hình thành các khu chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại; mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, tiên tiến, mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, các loại thuỷ hải sản cho giá trị kinh tế cao. Từ đây, toàn huyện có thêm nhiều nông sản đặc trưng, sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Gap, được chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể và có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: Trứng vịt Chấn Hưng, Trứng gà ta Chiêu Viên, Chuối tây, Trứng gà Duy Nhất, Nấm sò, Tinh bột nghệ bà Guốt, Trà củ sen, Tinh bột củ sen, Nấm đông trùng hạ thảo khô Liên Hoa, Gạo nếp cái hoa vàng. Những sản phẩm này góp phần định vị thương hiệu nông sản, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ ra phạm vi cả nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu thực sự là luồng gió mát lành, làm diện mạo nông thôn có sự chuyển biến sâu sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao.
Với những thành tích xuất sắc đạt được, ngày 6/6/2023, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiên Lãng trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Cùng với đó, lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo duy trì phát triển toàn diện; 25 năm liên tục, huyện Tiên Lãng có học sinh giỏi cấp quốc gia. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, huyện quan tâm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng nhất là dịp lễ, Tết; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%, phấn đấu đến năm 2025 huyện không còn hộ nghèo.
Các nhiệm vụ quốc phòng an ninh luôn đảm bảo chất lượng, yêu cầu trong tình hình mới. Công an huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là lực lượng nòng cốt trong việc kích hoạt định danh điện tử với hơn 90 nghìn tài khoản, đạt tỉ lệ trên 113%.
Huyện liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quân sự - quốc phòng địa phương, đảm bảo 100% chỉ tiêu công dân nhập ngũ hàng năm, tổ chức lễ ra quân huấn luyện và tổ chức huấn luyện đảm bảo cơ bản, thiết thực, vững chắc.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, vận động nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt.
Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hướng mạnh về cơ sở, luôn đoàn kết, tập hợp hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Năm 2023, huyện Tiên Lãng tiếp tục tổ chức lễ hội truyền thống rước ngũ linh từ gắn với nghi lễ cầu đảo, bơi thuyền cầu mưa tại xã Đoàn Lập. Ngũ linh từ - 5 ngôi đền thiêng gồm đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh), đền Bì, đền Canh Sơn (xã Đoàn Lập), Đền Gắm (xã Toàn Thắng). Lễ hội diễn ra quy mô, hoành tráng, thu hút đông đảo nhân và du khách thập phương. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hoá, ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định chứng nhận Lễ hội Ngũ Linh từ huyện Tiên Lãng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những ngày này về Tiên Lãng, mỗi chúng ta đều cảm nhận được khí thế vui tươi, phấn khởi của từng người dân; từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố luôn rợp bóng cờ hoa, tổ chức rộng khắp, phong phú các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày quân và dân Tiên Lãng anh dũng phá càn thắng lợi, tạo nên khí thế tưng bừng của ngày hội quê hương.
Tiên Lãng hôm nay đang bừng lên với diện mạo mới, sức sống mới, khang trang hơn, giàu đẹp hơn. Dấu ấn đậm nét về một miền trầm tích văn hoá, giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng và giàu tiềm năng phát triển kinh tế xã hội... được gìn giữ, phát huy trong suốt tiến trình lịch sử là niềm tự hào, là nền tảng, động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tiên Lãng khơi dậy ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên hành trình rất đỗi tự hào, hành trình đổi mới – khát vọng dựng xây quê hương.