Tỷ phú chân quê
Ngày 11/05/2012
Lượt xem: 5962

 

Khi cưới anh Đoàn Văn Bệ, mọi người trong xã Quyết Tiến (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) dị nghị rằng chị Vụ Thị Thử lành lặn lại đi lấy một người tật nguyền. Đó là câu chuyện của 35 năm về trước. Trong ngày dự Đại hội thi đua yêu nước của Cựu chiến binh lần thứ IV, khi anh Bệ đọc xong báo cáo của mình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nức lời khen chị Thử là một người phụ nữ dũng cảm. “Không dũng cảm sao được khi ngày đó, cô ấy lại dám lấy một người chồng là thương binh nằm liệt giường”- anh Bệ xúc động khi nhắc đến vợ mình.

Làm điểm tựa cho chồng

Cuối năm 1969, chàng thanh niên 18 tuổi xuân Đoàn Văn Bệ lên đường nhập ngũ. Ngày anh đi, chỉ duy nhất có hai người phụ nữ ra tiễn chân là mẹ anh và cô bạn học cùng lớp. Cũng chính ngày hôm ấy, anh mới biết được tình cảm của cô gái ấy dành cho mình qua ánh mắt tiễn đưa lưu luyến.

Bốn năm ở chiến trường, anh không hề một lần liên lạc với gia đình. Gần 2 năm ở trại thương binh nặng Thuận Thành – Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), anh lại càng không dù rằng trong giấc mơ, ánh mắt tiễn đưa anh đi cách đây bốn năm cứ chập chờn hiện về. “Nhưng cái cảm giác tự ti nghĩ mình giờ chỉ là một người đàn ông vô dụng làm tôi chán nản, vô vọng và không dám nghĩ tới điều gì khác”- anh Bệ tâm sự.

Cuộc sống chán chường với bên chiếc xe lăn có lẽ sẽ bám riết lấy cuộc đời anh nếu như không có một ngày đầu năm 1975, vẫn hai người phụ nữ đã tiễn đưa anh đi ngày ấy lên thăm anh. Gặp lại cô bạn cùng lớp thuở nào, anh ngượng ngùng.

Rồi cái cảm giác xấu hổ, tự ti cũng trôi qua nhường chỗ cho niềm sung sướng tột cùng và một nỗi lo lắng khôn nguôi. “Lúc đó trong tôi đan xen hai cảm xúc buồn, vui. Buồn vì mình đã bị thương tật đến mức này, lấy vợ chỉ làm cho người ta thêm khổ, nhưng tôi vui vẫn còn người quan tâm đến kẻ tàn phế như tôi”- anh Đoàn Văn Bệ rơi nước mắt khi nhớ lại.

Rồi đám cưới của cô thôn nữ xinh đẹp Vũ Thị Thử và anh thương binh nằm liệt giường Đoàn Văn Bệ đã diễn ra. Ngày cưới, anh mặc bộ quân phục mới nằm ở nhà chờ cô dâu đến. Cô dâu vượt qua bao lời dị nghị, bước về làm vợ một anh thương binh nặng với biết bao nhiêu khó khăn trước mặt. Vốn liếng của đôi vợ chồng trẻ chỉ là một chiếc giường ba xà và một chiếc nồi gang đa dụng.

Sau ngày cưới, anh Bệ quay trở lại trại an dưỡng, còn người vợ hiền phải đối mặt với cuộc sống khó khăn ở quê nhà. “Nhiều khi ngồi nghĩ về vợ con khó khăn ở nhà mà tôi cảm thấy mình lực bất tòng tâm”- anh Bệ nhớ lại.

Hai năm sau ngày cưới, hai anh chị đã có hai mặt con. Cuộc sống khó khăn cứ chồng chất lên đôi vai người vợ trẻ. Một nách hai con, quần áo không có đủ để mặc, những hôm mưa dầm gió bấc, chị còn phải rút mái tranh xuống đốt để sưởi ấm cho hai đứa trẻ.

Khi vợ đem hai con lên thăm anh, nhìn hai đứa con thân yêu chập chững tập đi, anh Bệ như bừng tỉnh. "Không thể để cho vợ vất vả, không thể để cho con mình sống khổ được". Anh th ầm nghĩ và quyết định tập đi với hi vọng có thể giúp đỡ vợ phần nào trong cuộc sống gia đình.

Lúc đầu, anh đóng dóng làm bệ đỡ, chắc chân đi bệ đỡ, anh chuyển sang đi nạng. Giai đoạn tập nạng thật sự khó khăn với anh, đôi chân yếu làm anh ngã liên tục. Lúc nản lòng nhất, muốn từ bỏ quyết tâm thì hình ảnh vợ con anh lại hiện lên bàn tay anh trở nên cứng cáp, hai bàn chân bại liệt của anh bỗng nhiên như biết nghe lời. Đến cuối năm 1985, anh có thể bỏ nạng chập chững đi một mình dù bước chân vẫn còn lập cập.

Từ Bệ “bùn” đến ông “Tỷ phú chân quê”

Từ một anh thương binh tật nguyền, giờ anh được bà con gọi với biệt danh là “Tỷ phú chân quê” hay “Giám đốc chân đất” bởi khả năng kinh doanh và làm kinh tế giỏi của anh. “Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là biệt danh Bệ “bùn” vì biệt danh này nhắc nhở tôi những giai đoạn khó khăn của mình”- anh Bệ giải thích.

Năm 1985, khi có chủ trương đưa thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình, anh xin về nhà, giữ con trông nhà cho vợ đi làm. Hợp tác xã ưu tiên nhận anh vào làm thủ quỹ ở tổ nuôi cá.

Ngày bình thường anh tập tễnh đến hợp tác xã, ngày mưa đường trơn, không đi được, anh lần mò xuống mương nước, men theo bờ ao để đi làm. “Đi như thế thì chân không sợ bị trượt ngã vì đã có lực nước nâng đỡ mình rồi. Thế nên tôi mới có biệt danh là Bệ “bùn” vì có giai đoạn suốt ngày tôi lặn ngụp trong bùn mới có thể đi làm được".

Để có thêm tiền cho cuộc sống của gia đình, tranh thủ nghỉ trưa, anh đạp xe sang Kiến An mua cá khô và dầu về xã Quyết Tiến để bán. Hai thùng dầu được anh kê sát đất như hai cái bàn chân chống đỡ. Qua phà, mọi người lại tận tình giúp anh cho xe lên tận bờ.

Năm 1991, huyện ưu tiên anh nhận khoán 2,5 ha trại cá giống của huyện. Để có vốn ban đầu, hai vợ chồng bán đôi khuyên tai là của hồi môn của vợ và đi vay mượn bạn bè. Hai anh chị lại lặn lội dìu nhau đi các tỉnh lân cận học hỏi thêm kinh nghiệm, thuê hẳn người từ Hà Nội về giảng dạy cho cách làm giống lợn, nuôi cá giống. Với 2,5 ha đất kết hợp nuôi cá giống và lợn giống, dần dần anh đã bắt đầu có lãi. Ngoài trả hết tiền nợ, anh còn để ra được chút ít để có vốn làm ăn.

Năm 2001, Hợp tác xã Thương binh 27/7 được thành lập do anh Bệ làm chủ nhiệm. Hợp tác xã làm ăn khấm khá với 56 anh em thương binh bệnh binh và con em của họ có việc làm ổn định với thu nhập từ 800.000 – 1 triệu đồng/tháng.

Năm 2005, anh đứng ra thành lập Công ty TNHH Bình Trọng do anh làm giám đốc và các cổ đông là anh em thương binh trong huyện.

Công ty TNHH Bình Trọng ngoài nhận thầu toàn bộ khu trại cá giống của huyện gồm 45 ha, xây dựng trại nuôi lợn lấy tinh giống thì công ty còn thuê đất, mở bến bãi, mua tàu khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng như: cát, sỏi… Hiện doanh thu của Công ty anh hàng năm gần 10 tỉ đồng, anh nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Có được thành công như hôm nay, theo anh, là do nghị lực vượt khó của bản thân, sự giúp đỡ của anh em, đồng đội và nhất là tình yêu thương của người vợ hiền đã dành cho anh. Nếu không có chị chắc cuộc đời anh vẫn chưa thay đổi. Nếu không có những đứa con thân yêu, chắc hai bàn chân teo tóp của anh mãi mãi không bao giờ di chuyển được.

Người trong xã, huyện xem anh như một tấm gương để lớp trẻ học tập. Nhưng người có công đánh thức ngôi sao ấy trở nên sáng lấp lánh như ngày hôm nay là vợ anh, chị Vũ Thị Thử.

Giờ trong cơ thể anh vẫn còn một viên đạn găm cạnh cột sống không thể lấy ra được. Vết thương ấy làm chân anh nhức mỏi mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng với anh, đó không phải là điều bận tâm khi ước mơ thoát nghèo để giúp vợ nuôi con khôn lớn của anh đã trở thành hiện thực./.

Việt Đức

 

Nguồn: daitienlang.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết