Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng: Công trình giàu ý nghĩa lịch sử
Ngày 14/05/2015
Lượt xem: 6482

      Cách đây hơn 60 năm, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết vào ngày 20-7-1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền Nam - Bắc. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về việc đón nhận cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương được đón nhận nhiều cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết.

      Vào thời điểm đó, thành phố đã dành nhiều địa điểm, đất đai thuận lợi nhất để xây dựng các cơ sở sản xuất, các trường học cho đồng bào và con em cán bộ miền Nam làm việc, học tập và sinh sống. Huyện Tiên Lãng được chọn để xây dựng 2 nông trang với quy mô lớn dành cho đồng bào miền Nam tập kết, trong đó có nông trang Quý Cao ở khu vực đầu huyện dành cho đồng bào Nam Bộ. Năm 1957, Bác Tôn về thăm nông trang Quý Cao, đến đây Bác rất xúc động trước mảnh đất và con người ở đây, không chỉ vì nó giống quê hương Nam Bộ của Bác, cũng có sông ngòi với những cù lao lớn, nhỏ ven sông, ruộng đồng màu mỡ mà người dân ở đây rất thật thà, chất phác, hăng say lao động, rất gần gũi và thân thiện, đã đùm bọc tạo điều kiện tốt nhất để bà con Nam Bộ tập kết về đây có cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc như ở quê hương mình.

        Xuất phát từ tình cảm đó, Bác Tôn có nguyện vọng muốn có ngôi nhà ở đây để Bác tiện đi về với bà con quê hương và coi đây như quê hương thứ hai của Bác. Được Trung ương Đảng chấp thuận, Bác chọn địa điểm xây dựng ngôi nhà gần bờ sông, cạnh bến phà Quý Cao cũ và dành chọn số tiền thưởng 24.000 rúp từ giải thưởng quốc tế Hòa Bình Lê nin do Đảng và Nhà nước Liên Xô trao tặng về công lao của Bác đã vận động các binh sĩ và kéo lá cờ phản chiến tại chiến hạm France ở Biển Đen vào năm 1919 để ủng hộ nước Nga - Xôviết non trẻ, nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Nam Bộ, tại đây Bác thường xuyên từ Hà Nội đi về vào các ngày cuối tuần để nghỉ ngơi và làm việc.

Sau khi Bác mất, nơi ở và sinh hoạt của Bác được xác định là công trình lịch sử văn hóa, nơi tưởng niệm công lao, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với Đảng và dân tộc, có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Do vậy, năm 2005, ngôi nhà Bác Tôn ở xã Tiên Cường được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, đây là di tích lưu niệm duy nhất ở Hải Phòng cũng như ở miền Bắc về Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, một người yêu nước vĩ đại, người lãnh đạo tài năng, đức độ nhưng rất đỗi khiêm tốn, giản dị, biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2009, được sự đồng ý của thành phố, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã khởi công tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và mở rộng khuôn viên kiến trúc. Sau hơn một năm xây dựng, một số hạng mục của Dự án đã hoàn thành như: Ngôi nhà Bác Tôn (làm trên nền đất cũ và theo nguyên mẫu ban đầu), nhà khách gồm 02 tầng, đường vào khu lưu niệm, vườn cây, ao cá….với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, đây là kinh phí đóng góp của cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng và một số doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Tiên Lãng… tuy nhiên đến cuối năm 2010 việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do kinh phí.

Thể theo nguyện vọng của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Lãng đứng đầu là Đại đức Thích Quảng Minh chủ trì vận động và xây dựng các hạng mục còn lại của Dự án gồm: Ngôi đền thờ Bác Tôn, nhà bia, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, hệ thống vườn hoa cây cảnh, tường bao, đường nội bộ trong khu lưu niệm…Dự kiến kinh phí cho giai đoạn này khoảng 50 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Sau khi được chuyển giao tiếp tục xây dựng, Dự án khu Lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại xã Tiên Cường, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí để xây dựng, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ và nhân dân huyện Tiên Lãng, sự tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện ngôi đền thờ Bác Tôn và một số hạng mục phụ cận đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2015).

Đây là ngôi đền được đầu tư xây dựng với quy mô lớn có phong cách và kiến trúc độc đáo, khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn trong khu lưu niệm. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, được tọa lạc trên một thế đất có “Long chầu, Hổ phục”. Phía trước là sông Thái Bình hiền hòa mang nặng phù sa, êm ả chảy suốt ngày đêm.

Đền có 8 gian, 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Ngôi đền có diện tích 380 m2, sử dụng hết 240 m3 gỗ lim với 64 cây cột cao 7,4m, đường kính cột tới gần nửa mét. Ngôi đền trồng diêm bằng 2 mái uốn cong cổ kính, mái lợp 2 lớp ngói, lớp ngói trên hình lá đề, lớp ngói dưới hình vuông, xếp trên các hàng rui gỗ lim làm thành các hình ô vuông đều đặn.

Đặc biệt và độc đáo là 12 góc đao, mỗi góc đao dài và cong vút tới 2,5m, được tạo tác bằng gốm sứ bát tràng có hình long, ly, quy, phượng, được phủ một lớp men ngọc lục. Các đầu bẩy, các bức cuốn, ván long…đều được trạm khắc rất khéo léo theo các đề tài thuần việt như: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, mộc mạc nhưng hết sức tinh xảo được tạo ra bởi các bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở xứ Đoài.

Toàn bộ ngôi đền toát ra dáng vẻ uy nghiêm, hài hòa, phù hợp với đức tính của Bác Tôn cũng như mang đậm tính cách của người Nam Bộ. Qua 9 tháng thi công, kinh phí xây dựng ở giai đoạn 2 đến thời điểm này là 40 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đền thờ Cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng với toàn bộ khuôn viên khu lưu niệm thực sự là công trình có ý nghĩa, tưởng nhớ công ơn to lớn của chủ tịch TĐT, là địa chỉ đỏ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử huyện
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Hiển thị : 10 / 29 kết quả
Trang: 1 - 2 - 3 «  ·  » 
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết