Từ ngày ấy, tại Làng Sen...
Ngày 19/05/2016
Lượt xem: 9122

 

Lịch sử có những ngày đáng nhớ, trước ngày ấy tất cả như hờ hững vô tình, nắng chỉ là nắng vậy thôi, mưa cũng hệt mọi trận mưa, người thì trải qua những ngày phẳng lặng; sau ngày ấy nắng vàng tơ nắng mật, mưa tắm mát những tháng ngày khô hạn, còn người thì hòa vào dòng đời sôi nổi để làm được nhiều hơn và ca hát cũng nhiều hơn. Bởi giữa hôm trước và hôm sau là ngày ấy - ngày dân tộc đã mong chờ mỏi mắt, sông núi mấy nghìn năm thỏa hồn ao ước. Ôi ngày ấy! Hạnh phúc biết bao khi chính chúng ta đã được cùng thế kỷ 20 và đang trải ngày hôm nay trên hành trình thời gian với rất nhiều ngày đã ghi thành dấu son lịch sử: Ngày hào khí non sông nương cậy nơi Làng Sen sinh thành người anh hùng cứu nước mai sau: lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày Đảng ra đời giữa một ngày xuân, ngày nước nhà độc lập sau hơn 80 năm Pháp thuộc, ngày Bắc Nam sum họp một nhà...    

Đất nước mình, đất nước của nhân dân, nên chính nhân dân sinh thành những vĩ nhân lịch sử: Đinh Bộ Lĩnh từng cờ lau vui cùng chúng bạn, Lê Lợi nếm mật nằm gai nương mình chốn Lam Sơn hoang dã, Nguyễn Hoàng âm thầm và lặn lội mang gươm đi mở cõi, Nguyễn Huệ từng một thời áo vải mịt mù góc Tây Sơn nào ai biết là đâu...

          Và Làng Sen, chốn nghèo bình dị như bất kỳ chốn nghèo nào trên đất nước khổ đau những năm nô lệ, đêm hè im ắng ngày 19 tháng Năm chợt tiếng khóc cất lên xao động đất trời - tiếng khóc chào đời của sinh linh bé nhỏ, hệt như mọi sinh linh sinh nở bởi nhân dân. Tiếng khóc ấy khi đến tuổi hoa niên thành tiếng thở dài thương đất nước đắm chìm lệ thuộc, nức nở nơi con tim hôm đầu tiên xuống tàu rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước, đau đáu phía chân trời hồn nước gửi niềm tin. Tiếng khóc ấy run rẩy giữa gió rét Pari, sương giá Luân đôn; viên gạch nung cố tỏa hồng hơi ấm cho căn phòng tiếng ngòi bút cồn cào trên trang giấy để bản án kết tội thực dân của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc thành tiếng nói của những người cần lao, trở thành tiếng thét! Tiếng khóc ấy biến thành tiếng reo vui của Người khi được đọc Luận cương của Lênin: Con đường giành độc lập cho dân tộc là đây, hạnh phúc cho dân chúng đây rồi!

          Những ai từng đau khổ, trái tim từng tan nát vì yêu hãy hiểu nỗi đau gấp triệu lần của Bác, nỗi tan nát khi những năm 30 Người đã rất gần Tổ quốc nhưng không thể nào trở về được nước, Hương Cảng, Thái Lan, Matxcơva, đêm đêm Người âm thầm nhỏ lệ.

          Nên ta hiểu vì sao Bác đứng lặng hồi lâu bên cột mốc 108 nơi biên giới Việt - Trung ngày Người về đến nước. Xa Tổ quốc 30 năm để tìm đường cứu nước, cái đích suốt đời nay mới tới, hôm ấy rét nhưng trái tim Bác ấm, tiếng khóc năm xưa trào lên khóe mắt cười và Pắc Bó thành cõi thiêng độc lập, hạt mầm tự do nảy nở chốn hang sâu. Và ta hiểu vì sao lời Bác dạy: "Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành độc lập" lại trở thành quân lệnh cho khắp nơi giành lại chính quyền; ta hiểu vì sao Ngày mồng 2 tháng Chín năm 1945 cả triệu người cùng chung lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Kể từ đấy đất nước bước vào cuộc trường chinh 30 năm trường kỳ không nghỉ, đánh thắng ba tên đế quốc to giành thắng lợi cuối cùng, trong mỗi thắng lợi, vinh quang, mọi niềm vui đều có Bác, trong tất thảy buồn đau đều rưng rưng nước mắt của Người.            

          Ơi vô tận những đêm trăng Việt Bắc - đêm trăng xưa, đêm trăng nay và tất cả đêm trăng mai sau - kỳ diệu thay, chỉ bắt đầu từ một đêm trăng mà trở thành mãi mãi, khi Bác bàn bạc việc quân đêm khuya về giữa sông trăng, đầy thuyền trăng, thơ của Người xao động đất trời trăng. Ơi làng Sen nhớ mãi hôm đón Bác trở về, xa mái ấm bao nhiêu năm Người không quên lối đi quen vườn cũ, không quên hàng dâm bụt hoa quê, tre rì rào lá biếc, nên chiếc võng buổi trưa hè hôm đó chao lại tiếng ru xưa, trời Kim Liên tháng Năm đầy ký ức. Ơi căn nhà sàn đơn sơ giữa Chủ tịch phủ bạt ngàn cây cối, những đêm sâu thao thức ánh đèn Bác làm thơ chúc Tết, trong niềm vui "Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi" Bác lặng người nỗi nhớ miền Nam; tại nơi căn nhà ấy mỗi lần viết, mỗi lần đọc và mỗi lần sửa từng câu chữ trong Di chúc lòng Bác lại rưng rưng những lời căn dặn; căn dặn xong rồi Bác thanh thản ra đi, hồn trở về với làng Sen nơi Bác sinh thành.     

          Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chẳng ra đi mà ở lại, cả nơi cõi trường sinh và mỗi cuộc đời ta, trong thơ ca và trái tim nhân loại, cùng cỏ cây, ngọn núi, dòng sông, với đất trời, biển cả; Người ở lại cùng chúng ta hôm nay nên sau 30 năm đổi mới ta đã xây dựng đất nước mình to đẹp đàng hoàng đúng với niềm tin của Bác. Tất cả bắt đầu từ ngày hè tháng Năm hệt như mọi ngày hè tháng Năm đã qua, những ngày hè tháng Năm chưa tới trên đất nước, chỉ khác: hồn núi sông và hồn dân tộc gửi gắm nơi làng Sen sinh thành người anh hùng cứu nước mai sau: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 Lưu Văn Khuê

Nguồn: baohaiphong.com.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Hiển thị : 10 / 16 kết quả
Trang: 1 - 2 «  ·  » 
Tin cũ hơn
Hiển thị : 10 / 28 kết quả
Trang: 1 - 2 - 3 «  ·  » 

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết