Làm gì khi doanh nghiệp không trả sổ bảo hiểm xã hội?
Ngày 04/10/2014
Lượt xem: 9863
Tôi đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2013. Tháng 6 vừa qua, tôi nghỉ việc và đã được công ty thanh toán các quyền lợi. Nhưng đã qua 3 tháng kể từ khi nghỉ việc, tôi vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội, hỏi công ty thì được trả lời cơ quan bảo hiểm chưa chốt sổ.
Xin hỏi, tôi phải làm thế nào trong trường hợp này?
Hồ Văn Hải
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hộ, sổ bảo hiểm xã hội được cấp đối với từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm “bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động còn làm việc” và “trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc”.
Đồng thời, tại khoản 2,3 Điều 47 Bộ luật lao động quy định “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Trong trường hợp của bạn, bạn và công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động mà bạn vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội. Hành vi người sử dụng lao động cố tình không trả số bảo hiểm xã hội cho bạn đúng thời hạn đã vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật bảo hiểm xã hội - “không cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của luật này”.
Vì vậy, nếu bạn có đầy đủ bằng chứng chứng minh phía doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, cố tình chậm trễ việc trả sổ bảo hiểm xã hội, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn thì bạn có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì “tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động” thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Như vậy, bạn có thể nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp về việc chậm trả sổ bảo hiểm xã hội đến tòa án để giải quyết quyền lợi cho mình.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Nguồn:
Theo vnexpress.net
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn
vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !