Huyện Tiên Lãng: Vực dậy nghề trồng nấm
Ngày 15/12/2014
Lượt xem: 4740

 Giai đoạn 2008-2012, nghề trồng nấm ở huyện phát triển mạnh thu hút nhiều hộ dân tham gia sản xuất. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nghề trồng nấm ở Tiên Lãng mai một dần. Để vực lại nghề trồng nấm phát triển bền vững, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, thiết bị sản xuất. 

 

Theo ông Nguyễn Văn Thấm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện, đến trung tuần tháng 11 năm nay, toàn huyện còn  91 hộ (chủ yếu ở các xã Quang Phục, Tiên Thắng, Kiến Thiết) trồng nấm với gần 1.500 tấn nguyên liệu đưa vào sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, giảm hơn 50% so với cách đây 2 năm. Thời kỳ đỉnh cao cả huyện có tới 200-250 hộ trồng nấm. Đến nay 20 xã không có hộ dân trồng nấm, trong đó các xã Tiên Cường, Bắc Hưng, Nam Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Vinh Quang... nhiều năm không hoàn thành chỉ tiêu trồng nấm UBND huyện giao.

Năm 2013, toàn huyện có gần 100 hộ dân trồng nấm đưa 1.800 tấn nguyên liệu vào sản xuất, thu hoạch được 535.823 tấn nấm các loại, trị giá gần 13,5 tỷ đồng. Nhiều hộ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hàng trăm tấn nguyên liệu được đảo ủ bằng máy, thay cho sức người. Lợi ích từ việc trồng nấm là khá rõ, vậy tại sao số hộ trồng nấm của huyện Tiên Lãng ngày một giảm.

Qua tìm hiểu được biết, thời kỳ đầu triển khai “Đề án phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2008 - 2012”, người dân hưởng ứng khá tích cực, tuy nhiên mới chỉ tận dụng diện tích mặt bằng, lán, trại sẵn có và tranh thủ lao động nông nhàn. Quy mô sản xuất nấm ở hầu hết các địa phương nhỏ lẻ, kỹ năng sản xuất của nông dân chưa thuần thục, năng suất nấm ngày một giảm sút. Năm 2012, đề án kết thúc, việc hỗ trợ về giống, vốn cho bà con ít được quan tâm hơn, vì thế nhiều hộ nản không gắn bó với trồng nấm nữa. Ông Nguyễn Văn Khởi, chủ trang trại trồng nấm ở xã Quang Phục người gắn bó với nghề trồng nấm sớm nhất huyện cho biết: vụ nấm sò năm 2013, năng suất của gia đình đạt thấp, do giống nấm không bảo đảm, một phần thời tiết không thuận lợi.

Để vực dậy nghề trồng nấm ở địa phương, huyện Tiên Lãng đề xuất thành phố hỗ trợ về giống, kinh phí xây dựng lán trại, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật giúp các hộ sản xuất nấm; xây dựng trung tâm sản xuất giống nấm, thành lập các đại lý thu mua nấm tươi, liên kết với một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nấm, xây dựng mô hình trang trại, doanh nghiệp sản xuất nấm quy mô lớn…giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Lương Hữu Huyền, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết:  năm 2014, thành phố và huyện áp dụng cơ chế hỗ trợ người trồng nấm, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn, trang thiết bị phục vụ sản xuất nấm. Với những nỗ lực trên, vụ nấm 2014 cho kết quả khá về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập, các hộ sản xuất có thu nhập cao, nên phấn khởi, yên tâm sản xuất hơn. Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất nấm, đồng thời duy trì việc hỗ trợ sản xuất (ngoài cơ chế chung của huyện), qua đó góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động thường xuyên, gần 600 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.

Về lâu dài, nhiều hộ dân trồng nấm ở Tiên Lãng mong muốn được vay vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng lán trại quy mô lớn hơn để sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá. Ông Đặng Văn Vinh, ở xã Kiến Thiết, cho rằng: nhiều diện tích không gian như sân, vườn, ruộng đồng có thể tận dụng trồng nấm quanh năm. Vì vậy, người trồng nấm rất cần vốn lớn để mở rộng diện tích và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản nấm sau thu hoạch”.

Hiện trên địa bàn cả huyện mới có 15 máy sấy hấp để sản xuất bịch trồng nấm sò; 1 máy muối nấm mỡ; một số máy trộn nguyên liệu, làm đất. Điều đáng nói là số máy trên mới được cung cấp cho bà con theo hợp đồng thuê sử dụng. Do đó, việc sản xuất, chế biến nấm còn khó khăn, giá trị sản phẩm thấp. Hiện, giá bán nấm tươi trung bình  từ 30.000- 40.000 đồng/kg. Nếu được chế biến tốt, giá có thể đạt 100.000- 150.000 đồng/kg.  Được biết, thời gian qua, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm nấm với các hộ dân trồng nấm ở Tiên Lãng, nhưng do giá thị trường cao hơn, nên phần lớn sản phẩm nấm tươi vẫn được bà con bán ra thị trường tự do. Đây cũng là khó khăn trong khâu tiêu thụ, vì bà con muốn đơn vị này không chỉ cấp nguồn giống nấm ổn định, chất lượng, mà còn thu mua nấm với giá sát với thị trường. Bên cạnh đó, người trồng nấm nhiều địa phương còn lúng túng trong khâu chăm sóc nấm khi thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh, rất cần cơ quan chuyên môn của huyện và Sở Nông nghiệp-PTNT sát cánh hơn nữa để chương trình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu trên địa bàn Tiên Lãng tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: baohaiphong.com.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết