Định vị thương hiệu nông sản: Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững
Không đơn thuần để “hữu xạ tự nhiên hương” nữa, những năm gần đây, huyện Tiên Lãng có nhiều cách làm hay, truyền thông, quảng bá nông sản thế mạnh ra thị trường trong và ngoài thành phố. Nông sản thế mạnh, đặc thù như gạo, rượu nếp cái hoa vàng, nấm ăn, trứng vịt, chiếu cói, hành tỏi… mang thương hiệu Tiên Lãng đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thông tin, quảng bá… huyện Tiên Lãng tạo tiền đề nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống người dân, mở hướng đi mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Nông sản thế mạnh của huyện Tiên Lãng
Tiên Lãng là địa danh khá nổi tiếng trong lịch sử. Quê hương “trước sóng” bốn mặt giáp sông và biển, là nơi địa linh nhân kiệt. Thời phong kiến, Tiên Lãng có hàng chục vị đỗ đại khoa, là quê hương Tiến sỹ Thượng thư Nhữ Văn Lan, ông ngoại Trạng Trình, Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Huyện có ngũ linh từ (5 ngôi đền) nổi tiếng linh thiêng. Nhân dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai. Những năm qua, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, Nhà nước, Tiên Lãng đã có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Lãng xác định, kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, do đó, địa phương chú trọng xây dựng, hình thành và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nét nổi bật là từ năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã ra Quyết định số 2276/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thuốc lào Tiên Lãng. Đây là cơ sở để huyện triển khai các bước xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc thù địa phương như gạo, rượu nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng, chiếu cói Lật Dương, trứng vịt các xã ven biển, nấm ăn.
Làng nghề chiếu cói Lật Dương, xã Quang Phục, Tiên Lãng có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 năm, từ thế kỷ 17. Sản phẩm chiếu cói bền đẹp, tiêu thụ khắp huyện, thành phố và các địa phương lân cận như tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Hiện nay, toàn làng nghề có 450 go dệt, 4 xưởng in chiếu, tạo việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động, sản lượng 200 nghìn lá chiếu, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Những năm gần đây, làng nghề thành lập Hợp tác xã chiếu cói Lật Dương và đầu tư mua sắm máy dệt hiện đại, nâng cao chất lượng và sản lượng chiếu cói truyền thống.
Nuôi vịt đẻ trứng ở xã Tây Hưng
Khu vực các xã ven biển của huyện như Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng có sản phẩm trứng vịt nổi tiếng. Với lợi thế diện tích mặt nước rộng, nhân dân các xã ven biển xây dựng trang trại, gia trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với nuôi vịt đẻ trứng. Số lượng đàn vịt duy trì thường xuyên hàng trăm nghìn con, công suất tiêu thụ 5 – 6 vạn quả trứng mỗi ngày.
Vài năm gần đây, nấm ăn, nấm dược liệu tuy mới được đầu tư sản xuất trở lại nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Toàn huyện có 355 lán trại, diện tích 44.246m2, 18 lò hấp sấy, 1 cơ sở chế biến, công suất 10 tấn nấm tươi/ngày. Niên vụ 2014 – 2015, các hộ dân đưa hơn 1.400 tấn nguyên liệu vào sản xuất, cho ra 443.714 kg nấm thành phẩm các loại như nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, tổng giá trị 11,1 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho 400 lao động thường xuyên, 600 lao động thời vụ, cung cấp cho ngành trồng trọt 1.500 tấn phân hữu cơ, góp phần cải tạo đồng ruộng, bảo vệ môi trường.
Mỗi năm, diện tích trồng lúa huyện Tiên Lãng 14.417 ha, bà con nông dân tích cực đưa giống lúa lai vào canh tác nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Song bên cạnh đó, bà con tại một số xã duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản. Tiêu biểu như giống lúa nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng trồng vào vụ mùa hàng năm. Tại huyện Tiên Lãng cũng có nhiều xã gieo trồng, tuy nhiên, gạo nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng có chất lượng ngon nhất. Toàn xã có 1.000 hộ canh tác, diện tích 285ha, bình quân 5 – 7 sào/hộ, năng suất 55 tạ/ha. Gạo nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng hạt tròn, màu trắng đục, khi nấu thành cơm, xôi luôn mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng. Một số hộ dân trong xã nấu rượu nếp cái hoa vàng theo phương pháp cổ truyền, tạo ra sản phẩm rượu quê chất lượng đảm bảo, để càng lâu càng ngon, giá thành vừa phải, từ 40 – 50 nghìn đồng/lít.
Truyền thông, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương
Có một thực trạng chung của các sản phẩm làng nghề, nông sản của huyện Tiên Lãng là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ tự phát, chưa ổn định, chưa được quảng bá, tuyên truyền phạm vi rộng nên không tạo được thương hiệu rõ nét. Thậm chí chiếu cói bền đẹp là thế mà các hộ sản xuất cũng chưa đặt tên Lật Dương cho sản phẩm, vẫn in ấn hoa văn chung chung…
Nhằm thúc đẩy, nâng cao giá trị cho sản phẩm làng nghề, nông sản địa phương, huyện Tiên Lãng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đến các hộ sản xuất. Huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, ký kết hợp đồng bao tiêu, hướng dẫn sản xuất đảm bảo quy trình, tạo sản phẩm chất lượng cao nhất, lấy chất lượng làm thước đo giá trị thương hiệu sản phẩm. Đồng thời cung ứng giống, vốn và tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bằng cách giới thiệu, liên kết với các đơn vị tiêu thụ lớn.
Lúa nếp của huyện Tiên Lãng
Dự án “Xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Đại Thắng, Tiên Lãng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng” do UBND huyện triển khai được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phê duyệt, đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. UBND huyện Tiên Lãng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nếp cái hoa vàng; xây dựng bản đồ khu vực sản xuất; xây dựng các thiết chế pháp lý quản lý nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng bộ tiêu chí chứng nhận của nhãn hiệu gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng – Tiên Lãng; lập hồ sơ pháp lý đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm…
Hơn thế nữa, Tiên Lãng đặc biệt quan tâm truyền thông, quảng bá thường hiệu nông sản địa phương. Huyện hỗ trợ các xã, các cơ sở, hộ sản xuất quảng bá nông sản thông qua các lễ hội lớn như Lễ hội Hoa Phượng đỏ, Hội chợ Tết Việt tại Hải Phòng, Hội chợ công thương khu vực Đồng Bằng sông Hồng, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, thành phố tăng cường tuyên truyền về quá trình sản xuất, hình thức, chất lượng sản phẩm… Qua đó, giúp người tiêu dùng nắm bắt rõ hơn và từng bước cảm nhận, đánh giá tích cực về các mặt hàng nông sản, sản phẩm làng nghề của Tiên Lãng.
Bên cạnh thuốc lào đã được chỉ dẫn địa lý, tới đây, gạo nếp cái hoa vàng, chiếu cói, nấm ăn, trứng vịt huyện Tiên Lãng được cơ quan chức năng thẩm định, bảo hộ, quản lý nhãn hiệu, sẽ góp phần định vị thương hiệu với người tiêu dùng cả nước.
Tạo đà thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Những hoạt động tích cực trong việc xây dựng, định vị thương hiệu nông sản đặc thù, thế mạnh thời gian qua mang lại nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản phẩm nâng cao, thị trường tiêu thụ đa dạng, phong phú hơn. Song, nó còn có tác dụng tích cực, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp huyện phát triển mạnh mẽ hơn.
Gian hàng nông sản Tiên Lãng tại một hội chợ
Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện Tiên Lãng đạt 20.745 ha, gồmdiện tích gieo cấy lúa 14.417 ha; diện tích cây thuốc lào đạt 1.470 ha; Cây rau màu, thực phẩm 4.752 ha. 16/23 xã, thị trấn quy vùng sản xuất tập trung với quy mô 5 - 30 ha/vùng trở lên. Về chăn nuôi, tổng đàn lợn 96.500 con, đàn gia cầm 1.960 ngàn con. Toàn huyện có hơn 170 trang trại nuôi gà và nuôi lợn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.800 ha, sản lượng 16.000 tấn/năm.
Thực hiện chủ đề Đổi mới mô hình tăng trưởng, năm 2015, huyện triển khai nhiều mô hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp, như cấy thử nghiệm giống lúa mới, thử nghiệm nuôi cá vược nước lợ, cá trê, ốc bươu ta; quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch. Trên địa bàn hình thành nhiều cánh đồng sản xuất tập trung như vùng trồng hành tỏi xã Vinh Quang, xã Đông Hưng, dưa hấu xã Tiên Cường…
Giai đoạn 2011 – 2015, ngành nông nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 47,2% trong cơ cấu các ngành kinh tế huyện, giá trị toàn ngành hơn 3.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 4,6%.
Giai đoạn 2015 – 2020, huyện Tiên Lãng xác định mục tiêu phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản của thành phố, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng cao, gắn với nông nghiệp sinh thái. Trong đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, nông sản đặc thù, thế mạnh; khẩn trương xúc tiến xây dựng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; triển khai quảng bá, truyền thông theo chiều sâu, công khai, minh bạch hóa quy trình sản xuất ra sản phẩm sạch, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn, nhất là về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; động viên tập thể, cá nhân mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất; liên kết, bao tiêu sản phẩm, tạo sức tiêu thụ mạnh mẽ hơn.
Định vị thương hiệu sản phẩm làng nghề, nông sản đặc thù với thị trường và người tiêu dùng là một quá trình dài, đòi hỏi có sự kết hợp nhiều yếu tố. Với phương châm lấy sản phẩm, nông sản đảm bảo chất lượng tốt nhất làm thước đo, cộng với nhiều hoạt động thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng nỗ lực của nhân dân, tin tưởng rằng, sản phẩm, nông sản Tiên Lãng sẽ có chỗ đứng nhất định. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa ngày càng phát triển bền vững, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống nhân huyện lúa anh hùng.
Văn Hải