Kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm: Không để làng nghề tự "bơi"
Ngày 16/06/2017
Lượt xem: 7554

 

Sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng (Tiên Lãng) một vài năm gần đây có được chỗ đứng trên thị trường. Rượu được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng và men ta, cơm rượu ủ đủ ngày. Rượu có mùi thơm, êm dịu, uống không đau đầu, không khát nước như rượu công nghiệp. Đặc biệt rượu để càng lâu uống càng ngon.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Thắng có 28 hộ chuyên nấu rượu nếp cái hoa vàng với sản lượng từ 500 đến 1000 lít/tháng. Đặc biệt, kể từ khi Công ty CP Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng đầu tư dây chuyền đóng chai, sản lượng tiêu thụ tăng cao; nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tìm đến bao tiêu sản phẩm.

Ông Vũ Văn Quân, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Lãng cho biết: “Thành công của rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng là do sản phẩm được kết nối giao thương. Bởi một người dân quê không thể vừa sản xuất, vừa xúc tiến thương mại để bán hàng. Khi doanh nghiệp bắt tay với người dân thì sản phẩm làng nghề mới trụ vững và có cơ hội phát triển”.

Theo thống kê, trước đây thành phố có hơn 60 làng nghề, nhưng hiện chỉ có khoảng 30 làng nghề còn hoạt động. Nhiều làng nghề do không bắt nhịp với cơ chế thị trường đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Nguyên do các mặt hàng đặc sản, sản phẩm làng nghề rất ít được đưa vào các trung tâm thương mại, hoặc có thì cũng đơn điệu nên chưa khẳng định được giá trị. Bên cạnh đó, cách thức đóng gói bao bì, bảo quản sản phẩm làng nghề chưa được coi trọng, nên không hấp dẫn người tiêu dùng.

 Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chánh văn phòng Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố cho biết: “Phần lớn sản phẩm làng nghề do các làng nghề, cơ sở sản xuất đều có chất lượng tốt, giá hợp lý nên thu hút được nhiều khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thói quen chỉ thích “buôn hàng, bán chợ” nên các cơ sở chưa quan tâm việc quảng bá thương hiệu. Để “tiếp sức” các sản phẩm này, Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố thành lập Trung tâm giới thiệu sản phẩm để các làng nghề, hợp tác xã giới thiệu, bán sản phẩm. Thông qua cửa hàng nhiều người dân tiếp cận sản phẩm mà không cần về tận các làng nghề. Nếu có nhiều cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến được với người tiêu dùng nhiều hơn.

Những năm qua, để “giải cứu” các đặc sản, sản phẩm làng nghề, thành phố hỗ trợ, phát triển một số sản phẩm làng nghề chủ lực, có thương hiệu mạnh với quy trình sản xuất an toàn. Thành phố hỗ trợ 38 sản phẩm đặc sản, làng nghề trên địa bàn thành phố đăng ký bảo hộ sở hữu nông  nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020, 100% các đặc sản, sản phẩm làng nghề của thành phố được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy vậy, để đặc sản, sản phẩm làng nghề phát triển, việc tạo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn là việc làm cần được thực hiện sớm. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, việc công bố rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, giúp người tiêu dùng yên tâm, tin dùng sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kết nối doanh nghiệp với người sản xuất, qua đó, giúp các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh.

 

Kiều Chinh

 

Nguồn: baohaiphong.com.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Hiển thị : 50 / 50 kết quả
Trang: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 «  ·  » 
Tin cũ hơn
Hiển thị : 12 / 12 kết quả
Trang: 1 - 2 «  ·  » 

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết