Đền Để Xuyên – linh từ trên quê hương Đại Thắng
Ngày 02/02/2023
Lượt xem: 1547

 

Đền Để Xuyên là một trong ngũ linh từ linh thiêng của huyện Tiên Lãng. Không chỉ là một địa điểm tâm linh, đền Để Xuyên còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của đất và người xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng. Nơi có những đặc sản thơm ngon nức tiếng như gạo, rượu nếp cái hoa vàng, gà nuôi bằng thảo dược... Với sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ chính quyền địa phương, sự đóng góp công sức của nhân dân địa phương, đền Để Xuyên đã và đang phát huy giá trị lịch sử, văn hoá và là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với đông đảo du khách thập phương.

Đại Thắng là một xã ở phía Tây Bắc của huyện Tiên Lãng, nằm bên hữu ngạn sông Văn Úc thuộc đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), ngăn cách bởi sông Mía, phía Tây giáp huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương); phía Đông và Nam giáp xã Tiên Cường (cùng huyện Tiên Lãng); phía Đông Bắc giáp xã Quang Trung (huyện An Lão). Diện tích 620 ha, trong đó diện tích canh tác là 355.2 ha. Dân số hơn 5000 người. Các thôn hiện nay, gồm có Trâm Khê, Để Xuyên, Giang Khẩu, Lãng Niên, Xuân Cát. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đại Thắng có 5 đình, 6 chùa và 11 miếu, trong đó có đền Để Xuyên là một trong "Ngũ Linh Từ" của huyện Tiên Lãng.

Đền Để Xuyên được xây dựng từ thời hậu Lê, năm 1548. Trước năm 1938, làng Để Xuyên còn giữ được sách, thần tích thời Hậu Lê và 5 sắc phong thuộc các đời: Thiệu Trị 6 (1845), Tự Đức (1853), Thành Thái 1 (1889), Đồng Khánh 2 (1887), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hàng năm 10/1 (lễ thánh đản); 2/10 (lễ kỳ phúc), 6/11 (lễ thánh hóa). Bản kê khai Thần tích - Thần sắc do Lý trưởng làng Để Xuyên kê khai vào năm 1938 cho biết đền Để Xuyên thờ 5 vị thành hoàng là vua Lê Trang Tông; Nam Hải đương cảnh thành hoàng đại vương; Xa Lâu đương cảnh thành hoàng đại vương; Đống Thung đương cảnh thành hoàng; Á thành hoàng, thuỵ Phổ Tế. Cả 5 vị được thờ bằng long ngai và bài vị ở đền.

Đền Để Xuyên là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của quê hương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, sân đền Để Xuyên là nơi tổ chức Mít tinh ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời xã Đại Thắng. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, lễ kết nạp đảng viên, xây dựng kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, xây dựng làng chiến đấu phá tề trừ gian và là nơi đón tiếp cán bộ từ vùng địch tạm chiếm ra vùng tự do và từ vùng tự do vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử,  qua 2 cuộc chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến, Đền Để Xuyên bị tàn phá nặng nề. Được sự cho phép của huyện và xã Đại Thắng, cán bộ và nhân dân làng Để Xuyên đã nâng cấp tôn tạo xây dựng lại Đền Để Xuyên phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và góp phần gìn giữ phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Hiện nay, Đền Để Xuyên tọa lạc trên nền đất cũ ở phía Tây của làng khuôn viên 4000m2. Đền có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh truyền thống, gồm 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Đền được làm hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại là xi măng cốt thép. Kết cấu bộ khung chịu lực của tòa bái đường gồm 4 bộ vì, vì nóc chồng đấu giá chiêng; vì nách chồng rường đấu kê. Hệ thống mái tòa bái đường lợp ngói mũi, làm kiểu chéo đao tàu góc. Hệ thống mái tòa hậu cung được tạo thành 3 mái, chéo đao tàu góc, các đầu đao được trang trí với đề tài rồng chầu phượng đón. Bờ nóc tòa bái đường trang trí lưỡng long chầu nhật, lưỡng "kìm" ngậm bờ nóc theo mô típ kiến trúc nghệ thuật truyền thống thời Nguyễn. Hệ thống cửa tòa bái đường gồm 3 bộ cửa gỗ lim, làm theo kiểu thượng song, hạ bản. Đền Để Xuyên đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố ngày 24/9/2015.

Lễ hội truyền thống đền Để Xuyên có lịch sử hình thành từ lâu đời và gắn liền với sự kiện kỷ niệm ngày sinh của các vị Thần thành hoàng mà Nhân dân địa phương tôn thờ tại đền Để Xuyên, xã Đại Thắng.

Căn cứ theo bản Thần tích - Thần sắc niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653), do Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân trí sĩ, Thượng Thư Bộ Lại, Tả Thị Lang được tặng tước Hầu là Nguyễn Đình Chính vâng soạn chính bản và đến năm Vĩnh Hựu 3 (1737), nội các Bộ Lại tuân theo bản chính viết lại thì lễ hội đã được tổ chức muộn nhất từ năm 1653. Lễ hội được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của thần vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Đây là lệ chính của đền và cộng đồng nhân dân địa phương xưa nay. Trong lễ hội, lễ vật dâng thánh có dùng với bàn trên cỗ chay, phẩm quả, bàn dưới dùng lợn đen, xôi rượu. Trong lễ hội có tổ chức ca hát 3 ngày. Từ năm 1945 trở về trước, lễ hội vẫn được duy trì theo cổ lệ.

Đến nay, lễ hội truyền thống đền Để Xuyên tiếp tục duy trì theo lối cổ của các bậc tiền nhân trao truyền, tổ chức trong khoảng thời gian gắn liền với dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của đức thành hoàng làng, diễn ra trong 3 ngày, mùng 10, 11, 12 tháng Giêng âm lịch. Các nghi thức, nghi lễ tế, rước, gồm có lễ rước nước, mộc dục, tế cáo yết, tế chính hội, tế giã hội.

Trong Lễ mộc dục, trước khi thực hiện việc tắm tượng phải làm lễ cáo thần. Người phụ trách sẽ thắp hương, dâng lễ rồi tiến hành công việc một cách thận trọng. Thời điểm tiến hành lễ mộc dục được tiến hành vào giờ đẹp đã được Ban tổ chức xem xét cẩn thận. Tượng thần được tắm 2 lần, lần thứ nhất được lau bằng nước tinh khiết, lần 2 bằng nước lá thơm hoặc nước ngũ vị đã được chuẩn bị trước.

Lễ cáo yết xin mở hội được tiến hành vào ngày đầu tiên của lễ hội (ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch). Đây là nghi thức quan trọng trong phần lễ để chính thức bước vào lễ hội. Những bậc cao niên có uy tín được lựa chọn đại diện cộng đồng để làm lễ xin phép thần linh cho làng được “vào đám” và báo cáo với thần linh mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất để chuẩn bị cho ngày chính lễ. Thực hiện nghi thức, nghi lễ cáo yết do đoàn tế của địa phương cử hành.

Vào sáng ngày mùng 10 làm lễ mở cửa đền, vừa cúng xong thì tổ chức tế lễ. Lễ vật trong lễ cáo yết: Thủ lợn, xôi, gà, giò, hoa quả, phẩm oản, vàng hương, chè, trầu, rượu, thuốc lá...

Lễ chính, trong buổi sáng ngày 11 tháng Giêng, lúc 7 giờ tế trước, sau đó làm lễ hội cùng với đó là lễ dâng hương của các dòng họ, đoàn thể và nhân dân địa phương.

Ngày 12 tháng Giêng, từ 14 giờ đến 15 giờ làm lễ tạ, đóng cửa đền. Vào ngày cuối của lễ hội, ban tổ chức tiến hành làm lễ tạ kết thúc hội. Lễ vật trong lễ tạ là lễ mặn. Thủ từ hay chủ tế làm lễ xin phép Đức Thánh kết thúc lễ hội và tạ ơn ngài. Sau đó là thu dọn sắp xếp lại đồ đạc, đồ thờ tự về vị trí cũ như trước khi diễn ra lễ hội. Trong lễ tạ, có tổ chức tế nữ quan.

Bên cạnh nghi lễ, phần hội ở lễ hội đền Đề Xuyên khá phong phú, sinh động với gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống, đặc trưng, các Trò chơi dân gian, hoạt động thể thao như Cờ tướng, Bóng chuyền, Cầu thùm, kéo co, Diễn xướng dân gian ca múa, biểu diễn, liên hoan văn nghệ, hát chèo, các tiết mục ca hát với chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, chủ đề về quê hương đất nước, truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương.

Tham quan cảnh đền, dâng hương và đến với hoạt động lễ hội tại đền Để Xuyên, du khách sẽ cảm thấy hài lòng về sự đón tiếp của Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương với tình cảm nồng hậu, thân thiện. Ngoài tham quan, vãn cảnh, lễ hội còn là dịp để du khách, nhân dân, các thế hệ con cháu hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa lịch sử, thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của các bậc tiền nhân có công với đất nước, quê hương. Đầu năm du xuân về với đền Để Xuyên, du khách thập phương cùng cảm nhận và lưu giữ nhiều ấn tượng tốt đẹp ở một di tích có bề dày lịch sử gắn với bản sắc văn hóa, con người nơi đây./.

 

Văn Hải

Nguồn: daitienlang.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Hiển thị : 10 / 12 kết quả
Trang: 1 - 2 «  ·  » 

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết