Mùa xuân trẩy hội đình Cựu Đôi - thị trấn Tiên Lãng
Ngày 02/02/2023
Lượt xem: 1236

    

Mùa xuân về- đất trời giao hoà. Con người và cảnh vật tràn đầy sức xuân. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. Ngay từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Có thể nói, lễ hội chính là hình ảnh thu nhỏ của bộ mặt làng xã người Việt nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng. Với mỗi địa phương, hội làng lại mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng điểm chung nhất của hội làng được tổ chức hàng năm là niềm tin tâm linh, sự hoài vọng tưởng nhớ công đức người xưa, những người đã có công với đất nước, với địa phương của mình. Đó chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân đất Việt. Khi dư âm của những ngày Tết nguyên đán vẫn còn phảng phất đâu đây, khi những nụ hoa đào nở muộn vẫn rạng rỡ khoe sắc cũng là lúc tiếng trống yết tổ của các dòng họ trong làng văn hoá Cựu Đôi (khu 2 thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng) vang lên báo hiệu sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động văn hoá tinh thần sôi nổi diễn ra trong làng. Theo chân những người dân nơi đây, chúng ta cùng đến thăm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia- đình Cựu Đôi để cùng dự lễ hội truyền thống đầu năm- lễ hội được con dân cháu làng lưu giữ với cả tấm lòng tự hào và biết ơn sâu sắc.

Đình Cựu Đôi nằm liền kề với chùa Phúc Ân Tự- là nơi cửa ngõ thông thương, khu vực vị trí trung tâm huyện Tiên Lãng. Là loại hình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử đình Cựu Đôi được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992. Đình thờ ông Đào Linh Quang là danh tướng thời Hai Bà Trưng. Ông là người có công chiêu mộ nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm Canh Tý (tức năm 40 sau Công nguyên) đánh giặc Hán. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông được Bà Trưng phong làm Trung phẩm đại tướng và cùng các ông Nguyễn Công Châu, Hoàng Công Đường, Trần Công Cát về trang Cựu Đôi, huyện Bình Hà tức làng Cựu Đôi, khu 2 thị trấn Tiên Lãng ngày nay mở trường dạy học và dạy nhân dân sản xuất. Sau khi mất, ông được nhân dân lập đền- đình thờ đèn nhang đến ngày nay. Ông được phong sắc Thượng đẳng phúc thần phù tộ đại vương và là thành hoàng làng Cựu Đôi. Đến năm Duy Tân nguyên niên (1907), đình được xây cất lại thành ngôi đình to đẹp như ngày nay.

Theo ghi chép trong thần phả, sau khi ông Đào Quang và 3 tướng cùng hoá một ngày 15/11 âm lịch, dân làng bèn làm biểu tâu lên nhà vua. Thương cảm lòng trung nghĩa và công lao của các ông, nhà vua bèn sai sứ mang sắc chỉ đến trang Cựu Đôi, sai dựng đền thờ tại nơi hoá; sắc phong “Đương cảnh Thành hoàng, Linh Quang chiêu ứng thượng đẳng phúc thần đại vương”- chuẩn cho nhân dân trang Cựu Đôi huyện Bình Hà, phủ Nam Sách trông coi nơi thờ chính, cung phụng đèn nhang mãi mãi. Đến năm Gia Long thứ 9 (1810), ngày 15/6, ban thêm cho mỹ tự “Phù tộ” vào sắc cũ của Đại vương. Với những ngày lễ trọng thể hàng năm được nhân dân ghi nhớ là:

Ngày sinh của ông Đào Quang: 15 tháng giêng.

Ngày Khánh hạ: 12 tháng 8.

Ngày mất của cả 4 ông: 15 tháng 11.

Đình Cựu Đôi được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (J) trên một khu đất cao ráo ngay tại vị trí trung tâm của làng gồm 4 gian tiền đường (4 vì chính, 2 trái vẩy) và 3 gian hậu cung. Nhìn từ ngoài vào trong, từ trên mái xuống từng chi tiết rất nhỏ như lá mái, tàu đao, bẩy, kẻ… ta thấy mái đình được trang trí giống các con giống, đường viền hoa thị, hoa chanh. Chính giữa nóc đình là đôi rồng chầu mặt nguyệt. Đầu đao trang trí kiểu long chầu phượng mớm lá tầu; diềm bờ mái chạm thủng kiểu lá đề. Do cách rải các tay đòn kiểu “thượng tứ- hạ ngũ” (trên 4 dưới 5) nên khoảng cách từ rìa mái xuống mặt nền khá cao (2,5m). Bộ khung đình làm kiểu 4 hàng cột trong mỗi vì với tổng số 42 cột gỗ tốt. Trong đó, nhà tiền đình gồm 5 gian, 4 vì chính, chiếm 26 cột. Cấu tạo gian hậu với 3 gian 4 vì. Khoảng cách giữa các vì được thiết kế ở vị trí vuông góc cao 2,5m đặt cỗ khám thờ tượng ông Đào Quang. Trên xà thượng treo bức đại tự bằng gỗ, đề chữ: “Thượng đẳng phúc thần”. Toàn bộ gian thứ 2 của hậu cung là chiếc sập gỗ kiểu chân quỳ dạ cá; trên bày các đồ thờ tự quý của di tích như đèn, nến, chóe sứ, biển gỗ… Sau chiếc sập gỗ là gian hậu, nơi đặt cỗ khám thờ sơn son thiếp vàng rực rỡ có tượng ông Đào Quang.

Cách bài trí trong kiến trúc của di tích đình Cựu Đôi thể hiện trên bề mặt gỗ rất hài hoà, công phu như cửa võng chạm thủng với nhiều đề tài khác nhau, trang trí trên các thân, đầu bẩy, con dư, các đại tự và đôi câu đối hình lòng máng cỡ lớn treo đối diện ở vì giữa tiền đình tạo cảm giác tôn nghiêm, nổi bật giá trị sáng tạo của nhân dân với nội dung ca ngời công lao vị Thành hoàng. Các hiện vật giá trị khác của di tích như hậu thần bi ký niên hiệu Vĩnh Trị (1676- 1680) và phong hậu thần bi ký niên hiệu Chính Hoà (1680- 1705) chữ còn đọc rõ tên tuổi quê quán những con người đã có công đóng góp tự tạo đình. Ở góc trái, ngay sau chiếc cột hành treo quả chuông đồng có niên hiệu Cảnh Thịnh (1799).

Di tích lịch sử đình Cựu Đôi ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ công lao bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giúp nước và mở mang làng xóm, đình làng còn thể hiện lối kiến trúc truyền thống độc đáo qua cột, kèo, xà, vì… và lối thức trang trí bề ngoài mặt gỗ- là công trình kiến trúc giàu giá trị mỹ thuật của huyện Tiên Lãng.

Trải qua hàng nghìn năm chịu sự bảo mòn của không gian, sự tàn phá của thời gian, giặc giã; công trình kiến trúc đặc sắc này đã được dân làng nhiều thế hệ góp công góp của tu tạo để có vóc dáng to đẹp như ngày nay.

Và năm nay, mùa xuân Quý Mão 2023, cán bộ và nhân dân làng Cựu Đôi lại long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày sinh của Trung phẩm đại tướng Đào Linh Quang và 3 vị tướng quân. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày 14- 15- 16 tháng giêng.

Theo chương trình lễ hội, ngay từ chiều ngày 13 tháng giêng, đội tế nam đình Cựu Đôi đã tiến hành tế nhập tịch (tức mở cửa đình). Buổi sáng ngày 14 tháng giêng- ngày khai hội với các nghi lễ như: Rước Bằng di tích, rước bài vị của ông Đào Quang từ sân đình đi qua đường trục thị trấn đến ngõ Dốc, khu 3 thị trấn, ra đường 354 về sân đình. Sau phần rước quanh làng, lễ hội được khai mạc với các nghi thức quan trọng như phần dẫn lễ, phần dâng hương… Buổi chiều các ngày diễn ra lễ hội là phần tế của các đội tế nam, đội tế nữ trong huyện và thị trấn.

Xen kẽ trong 3 ngày của lễ hội đình Cựu Đôi, phần hội có tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi - một trong những môn thể thao yêu thích thu hút đông đảo nhân dân theo dõi và cổ vũ cùng các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ …. Trong tiếng trống hội xuân rộn vang thúc giục, khắp các ngõ xóm trong làng đều bừng lên một niềm vui, với tấm lòng thành kính hướng về vị tiền nhân có công với dân với nước.

Đến với lễ hội đình Cựu Đôi, nhân dân trong làng và du khách thập phương được thả hồn mình trong không khí linh thiêng để tưởng nhớ đến vị Thành hoàng Đào Linh Quang có công với dân, với nước. Cùng với đó, mỗi người tham dự lễ hội còn có chung một mong muốn lớn hơn là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình và những người thân yêu trong dịp năm mới. Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam, lễ hội di tích lịch sử đình Cựu Đôi còn thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp của người dân làng văn hoá Cựu Đôi khi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cố kết mối quan hệ cộng đồng làng xã, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống của quê hương. Ngôi đình khi xưa từng là trường học, từng là mái nhà chung che chở đã gắn bó, ăn sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người con làng Cựu Đôi, nay vẫn vững chãi toả bóng mát và là điểm đến của các thế hệ người dân làng Cựu Đôi, thị trấn Tiên Lãng nói riêng và người dân Tiên Lãng nói chung trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nguyễn Hồng

Nguồn: daitienlang.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết