Di tích lịch sử quốc gia Đền Gắm: Ngôi đền linh thiêng
Ngày 02/02/2023
Lượt xem: 1693

   

Huyện Tiên Lãng nằm phía tây nam thành phố Hải Phòng, diện tích 189km2, dân số hơn 16 vạn người, với 56 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia. Những năm gần đây, bên cạnh truyền thống văn vật sẵn có, với những điểm nhấn độc đáo, riêng biệt, Tiên Lãng là địa chỉ để nhiều du khách tìm về và hòa mình trong không gian văn hóa đa sắc màu. Trong đó phải kể đến Ngũ linh từ, năm ngôi đền thiêng, gồm Đền Gắm, đền Bì, đền Hà Đới, đền đá Canh Sơn, đền Để Xuyên. Với những chứng tích lịch sử còn lưu truyền đến ngày hôm nay, di tích lịch sử cấp quốc gia đền Gắm, thôn Cẩm Khê xã Toàn Thắng  đã và đang trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn không chỉ của nhân dân thành phố, mà còn cả các tỉnh, thành lân cận.

Đền Gắm tọa lạc trên gò đất cao, nằm bên dòng Văn Úc hiền hòa thuộc thôn Cẩm Khê xã Toàn Thắng. Đền thờ Thái phó Ngô Lý Tín, một nhân vật lịch sử có công phò vua giúp nước thuộc đời nhà Lý (1010 - 1225). Sử cũ chép rằng, Ngô Lý Tín, sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (1126) ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, thân phụ, thân mẫu là ông Ngô Huy Hiếu và bà Đào Thị Phúc. Thuở nhỏ, Ngô Lý Tín theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Hải Dương, với tư chất thông minh, chăm chỉ, nên được thầy yêu bạn quý. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, mãn tang cha mẹ, ông tìm đến trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương, nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ.

Bấy giờ vào thời buổi nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên khắp nơi, cộng với mất mùa hạn hán, đời sống nhân dân cực khổ, giặc ngoại xâm quấy phá biên thùy. Vua Lý Anh Tông ban chiếu cầu hiền, Ngô Lý Tín xin ứng mộ, đem theo 30 người thôn Cẩm Khê đi cùng, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm Nhâm Dần (1182), Ngô Lý Tín được phong chức Thượng tướng quân, mang quân thủy bộ dẹp loạn trộm cướp. Năm 1183, ông được cử làm đốc tướng chinh phạt quân Ai Lao xâm lấn biên giới, chiến thắng trở về, nhà vua phong ông làm Thái phó. Năm 1188, quan phụ chính đại thần, Thái sư Đỗ An Di mất, triều đình cử thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính cho vua Lý Cao Tông, làm vị quan lớn đầu triều, giữ trọng trách đối với giang sơn đất nước.

Ông mất năm Canh Tuất (1190), tương truyền, khi quan Phụ chính Ngô Lý Tín cùng một đoàn thuyền đem tướng sĩ, gia nhân trở về thăm lại trang Cẩm Khê xưa không may gặp bão to, thuyền chìm, ông và mọi người đều thác nhằm ngày 9 tháng 10 âm lịch. Tưởng nhớ công ơn vị tướng anh dũng, nhân dân trang Cẩm Khê lập đền thờ ông. Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian, lịch sử, qua nhiều lần tu sửa, đền Gắm vẫn mang kiến trúc cổ xưa, phong cách kiến trúc thời Nguyễn kiểu “tiền nhất hậu đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian tiền tế, gian hậu cung. Các kèo gỗ có kết cấu kiểu “thuận chồng, đốc thước”, mái lợp ngói mũi hài, các cửa theo kiểu “cửa thùng khung khách”. Đền Gắm hiện bảo tồn, lưu giữ được một số di vật quý như bức cuốn thư, cửa võng chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, y môn chạm “lưỡng long chầu hoa cúc”, long đình, nhang án, bát bửu, câu đối, chuông đồng, ngai rồng. Điều đặc biệt, đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất Thái phó Ngô Lý Tín cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, rèn luyện binh thư, võ nghệ và nổi danh khắp vùng. Mặc dù là nơi thờ vọng nhưng có phần mộ của thái phó thuộc hậu cung của đền, đấy chính là cội nguồn của sự linh thiêng và từ xa xưa nhân dân nơi đây đã lưu truyền câu: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”.

Năm 1992, đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Những năm qua, dự án trùng tu, tôn tạo góp phần tạo dựng khu di tích quy mô lớn hơn trên một khuôn viên hài hòa, hoàn chỉnh, rộng hàng chục nghìn m2, phục vụ nhu cầu thăm viếng, thờ tự, tín ngưỡng, lễ hội, giới thiệu lịch sử văn hóa. Lễ hội đền Gắm được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng giêng hàng năm, phần lễ với nhiều nghi thức trang nghiêm, phần hội sinh động, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Bắc bộ với nhiều trò chơi truyền thống, thi đấu vật…thu hút hàng nghìn du khách ở mọi miền tổ quốc về dự.

Cùng với đó, dọc theo dòng Văn Úc hiền hòa còn có chùa Thắng Phúc (xã Tiên Thắng), ngôi chùa quy mô lớn vào bậc nhất của Thành phố, sự kết hợp này tạo nên một tour du lịch tâm linh và sinh thái đồng quê độc đáo.

 Về với Tiên Lãng, du khách đắm mình trong không gian trầm mặc, linh thiêng của các di tích lịch sử đền đình chùa miếu nói chung, đền Gắm nói riêng, cùng cầu khấn những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, được chiêm ngưỡng công trình đồ sộ của chùa Thắng Phúc, dự lễ đảo vũ cầu mưa, hội bơi thuyền đền Bì, đi hội chợ Giải, ngắm nhìn đền đá Canh Sơn, đi thăm, tìm hiểu tín ngưỡng ngũ linh từ, hay nơi thờ tự ông bà ngoại Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, cùng nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng dân gian, hệ sinh thái rừng ngập mặn hàng ngàn ha, ẩm thực độc đáo, hòa mình vào dòng suối nước khoáng nóng để quên đi hết sự mệt nhọc, tìm lại sự tĩnh tâm, yên bình, hấp thụ thêm nguồn năng lượng mới, hướng tới những điều tốt đẹp sẽ đến trong nhịp sống hối hả thường nhật.

Văn Hải

Nguồn: daitienlang.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Hiển thị : 10 / 11 kết quả
Trang: 1 - 2 «  ·  » 

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết