Sau 7 năm theo đuổi chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp liên tục thất bại, để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp đã thay đổi hàng loạt chiến lược trong đó có việc di chuyển lực lượng xuống khu vực đồng bằng Bắc Bộ với hy vọng giành lại thế chủ động chiến lược ở khu vực này. Tuy nhiên, lực lượng quân Pháp ở đây luôn bị tập kích bởi lực lượng vũ trang của ta, mà một trong những địa bàn xuất phát thường bắt đầu từ Tiên Lãng. Để ngăn chặn các cuộc tập kích ngay từ điểm xuất phát, thực dân Pháp đã thực hiện Kế hoạch mở trận càn quét lớn vào Tiên Lãng mang tên Cờ lốt bắt đầu từ ngày 28/08/1953.
Gặp lại ông Đoàn Văn Chài, nguyên là chiến sỹ đại đội 196, thôn An Tử xã Khởi Nghĩa vào cuối buổi chiều thu, tiếp chuyện chúng tôi ông cho biết “Tiên Lãng là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nơi đây đã có biết bao lớp người ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, không chỉ cán bộ cách mạng mà cả trẻ em đến người già, không kể đàn ông hay đàn bà, vẫn vững lòng sắt son một dạ đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Ông Chài cho biết đơn vị 196 được thành lập năm 1952 theo lệnh của tỉnh ủy Kiến An trên cơ sở thành lập từ Đại đội Hùng Thắng, sau đó đổi tên thành đại đội 196, gồm 5 trung đội được điều về các xã trong huyện với nhiệm vụ quan trọng là cùng với nhân dân đào giao thông hào và trực tiếp chiến đấu.
Sáng ngày 28/08/1953 địch mở màn trận Cờlốt (Claude). Chúng chia thành 5 mũi tiến công bao vây khu căn cứ du kích Tiên Lãng. Lực lượng của ta gồm các đại đội, 12 trung đội du kích và hàng trăm du kích. Mặc dù chênh lệch về vũ khí phương tiên, Song, có sự chuẩn bị chu đáo cùng với ý chí kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc, cùng với nhân dân đia phương đại đội 196 và các đơn vị bộ đội đã ngoan cường tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Theo lệnh của tỉnh ủy Kiến An và huyện ủy Tiên Lãng, các chiến sỹ đại đội 196 đã về các thôn, xã trên địa bàn huyện làm công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân du kích. Mỗi thôn đều xây dựng 1 trung đội gồm 30 – 50 người kiên cường, sát cánh cùng bộ đội chủ lực của huyện chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của địch.
Trong những ngày đầy khó khăn thử thách của những năm 1948 - 1953, ở bất kỳ đâu, những cán bộ cách mạng cũng được những người dân đùm bọc, che giấu trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Từ năm 1950 - 1954, huyện nhà có hàng trăm phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như "đòn gánh đánh càn" . Trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới. bà Phạm Thị Bền năm nay đã ngoài 80 tuổi, bà kể khi mới 18 tuổi bà đã tham gia dân quân du kích tại thôn xa vỹ xã Tiên Minh làm nhiệm vụ chuyển đạn, liên lạc, bà đã cùng một nữ du kích cùng đơn vị khiêng 6 thuyền vũ khí từ trong bốt chuyển về chùa Tiên Lãng xã Tiên Minh, từ bốn phía giặc nã đạn như mưa nhưng không làm chùn bước chân người nữ du kích gan dạ ấy.
Từ ngày 02/09/1953, địch tập trung phần lớn lực lượng tấn công xuống phía Nam huyện, đồng thời tiếp tục bình định tại các khu vực phía Bắc. Sau đó chúng dồn xuống phía Nam không “cất vó” được lực lượng của ta, trái lại chúng bị du kích và nhân dân ở đây chặn đánh liên tục 7 ngày đêm. Rút khỏi phía Nam chúng chuyển sang bình định vừa khủng bố vừa lừa bịp, mị dân. Ngày 07 và 09 tháng 9 năm 1953 địch lại tổ chức càn quét và tấn công nhiều đợt vào nhiều vị trí của ta trên địa bàn huyện với hàng trăm quân cùng các phương tiện vũ khí hiện đại, lại được sự yểm trợ mạnh mẽ của các lực lượng của địa bàn lân cận. Tội ác của quân giặc đối với nhân dân không giấy mực nào có thể viết hết.. Chúng đốt hàng trăm nóc nhà của nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đánh đập tra khảo người già, trẻ em đồng thời mua chuộc, hăm dọa, cho xe gom đồ đạc, dỡ nhà… Để tiện bề quản lý, giặc đã cho lập nhiều đồn bốt trên địa bàn huyện như bốt bến Khuể, bốt Trung Lăng, bốt Đông Xuyên… nhằm biến TL thành vành đai trắng. Thế nhưng, sự bạo tàn của kẻ thù không làm cho nhân dân Tiên Lãng hoang mang mà càng làm tăng thêm tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh sôi sục, càng trong gian khó tinh thần chiến đấu của con người nơi đây càng lên cao như ngọn lửa hừng hục cháy và sẵn sàng thiêu rụi mọi kẻ thù xâm lược. Góp phần làm nên những chiến thắng oai hùng đó phải kể đến sự chung tay, góp sức của đại đội 295 – bộ đội chủ lực của tỉnh Kiến An lúc bấy giờ. Những chiến sỹ tuổi mới 18 đôi mươi ngày ấy, sẵn mang trong mình lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương tha thiết.
Có thể nói, tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân cũng là nhờ sự tuyên truyền tích cực của những chiến sỹ cách mạng trung kiên. Tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước” của những người chiến sỹ ấy đã ngấm sâu vào từng người dân, giúp họ can đảm đứng lên đấu tranh. Thêm vào đó là sự chỉ huy sáng suốt, mưu lược của đảng, bác, của tỉnh ủy Kiến An và huyện ủy Tiên Lãng. Sau 3 tuần lễ càn đi quét lại hầu hết các thôn trong huyện, địch vẫn không sao tìm được lực lượng vũ trang của ta và không sao bình định được Tiên Lãng. Bị quân và dân Tiên Lãng đánh trả quyết liệt. Từ ngày 16/9 –20/9 địch phải rút hết quân cơ động gồm toàn bộ GEM3, GEM5, các tiểu đoàn dù vàpháo binh ra khỏi Tiên Lãng. Kết thúc trận càn, quân và dân Tiên Lãng đã tiêu diệt được 667 tên địch, thu nhiều súng đạn và quân trang quân dụng, lực lượng vũ trang và bộ đội của ta cơ bản được bảo toàn. Rút khỏi Tiên Lãng, tên Nê mô, một trong những tên chỉ huy trận càn phải thốt lên: “Càn lên Tiên Lãng quân đội Pháp đã phải đối phó với một rừng chông, trẻ con cũng đánh hăng như sư tử”
Mặc dù kháng chiến với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tiên Lãng đã thể hiện ý chí và tinh thần kiên cường khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, làm nên chiến thắng lịch sử, góp phần vào thắng lợi của quân và dân cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954.
Vũ Yến