Với mục đích quảng bá nông sản Nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng, UBND huyện Tiên Lãng đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Đại Thắng - Tiên Lãng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng”. Đây là động lực chính để nông sản Tiên Lãng "cất cánh bay xa".
Nông sản đặc biệt
Gạo Nếp cái hoa vàng được biết tới là giống lúa nếp đặc trưng, truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… và huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hiện toàn huyện có 3 xã chuyên trồng giống lúa này gồm: Tiên Cường, Tự Cường và Đại Thắng. Tuy nhiên, sản lượng chính tập trung ở Đại Thắng với 1.000 hộ canh tác trên diện tích 285ha, còn lại là 100 hộ chia đều cho 2 xã.
Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, ông Lương Thanh Sắc cho biết: Giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Đại Thắng là giống nếp truyền đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy của cả xã với năng suất 56 tạ/ha, cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, từ việc sản xuất đến thu hoạch giống lúa nếp cái hoa vàng đều tiến hành bằng cơ giới hóa. Nếp cái hoa vàng Đại Thắng - Tiên Lãng có đặc trưng là hạt tròn, màu trắng đục, dẻo hơn và thơm hơn khi nấu thành xôi. Trong ba xã trồng thì nếp trồng ở Đại Thắng cho chất lượng gạo ngon nhất, ngay cả Tiên Cường cận kề khi mang giống sang cấy chất lượng cũng không được như ở Đại Thắng.
Nếp cái được trồng vào vụ mùa với thời vụ từ tháng 6 đến tháng 10, diện tích trung bình từ 5-7 sào/1 hộ. Lợi thế thửa ruộng lớn, đất đai bằng phẳng của Đại Thắng cũng là một thuận lợi để phát triển giống lúa nếp này so với địa bàn các xã khác. Hiện nay nếp cái hoa vàng Đại Thắng được bán chủ yếu tới các thị trường phía bắc như Hà Nội, Quảng Ninh. Người dân thu hoạch sau đó bán thóc cho tư thương đến từ huyện Kim Thành, Kinh Môn (Hải Dương)…, rộ nhất là thời điểm giáp tết, khi đó lượng cung không đủ cầu. Phương thức bán chủ yếu là đóng tải, không nhãn mác, thanh toán ngay. Tư thương sau đó xay xát thóc ra gạo thành phẩm, đóng bao nhỏ và bán cho người tiêu dùng. Tại xã Đại Thắng có một số hộ chuyên kinh doanh nếp cái hoa vàng. Đây mới chỉ là treo biển “nếp cái hoa vàng” chứ chưa ghi nhãn cho sản phẩm bán.
Xây dựng thương hiệu
Trước những giá trị kinh tế thu được và thuận lợi trong canh tác giống lúa nếp cái hoa vàng tại xã Đại Thắng, với mục đích quảng bá sản phẩm ra thị trường UBND huyện Tiên Lãng đã lập dự án “Xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Đại Thắng, Tiên Lãng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng”. Hiện Sở KH&CN đã phê duyệt dự án trên, huyện Tiên Lãng đang triển khai những bước còn lại trong việc đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho mặt hàng nông sản này.
Một hộ dân trồng nếp cái hoa vàng phấn khởi cho biết: Giống Nếp cái hoa vàng Đại Thắng đã được trồng hàng trăm năm nay, quanh vùng ai cũng biết tiếng. Thế nhưng do không được tuyên truyền, quảng bá nên chưa được thị trường biết tới. Việc gạo Nếp cái hoa vàng được gắn nhãn hiệu chứng nhận là một niềm vui của người dân.
Sản phẩm Nếp cái hoa vàng được chứng nhận nhãn hiệu sẽ là dịp quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng, giúp sản phẩm có khả năng phát triển, cạnh tranh cao hơn, từ đó giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, người tiêu dùng sử dụng được hưởng lợi từ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng đảm bảo chất lượng và rõ nguồn gốc. Đặc biệt, giúp bảo tồn và phát triển được nguồn lúa giống truyền thống của địa phương nhằm nhân rộng ra các địa phương khác.