Tiên Lãng phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, đào tạo thế hệ con người mới giàu tri thức
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Thời phong kiến, nếu triều đại nào quan tâm đến giáo dục, xây trường, mở lớp dạy học, triều đại đó sẽ hưng thịnh, đất nước giàu mạnh. Tiêu biểu như các triều đại nhà Lý, thế kỷ thứ 12 – 13, nhà Trần, thế kỷ 13 – 14, nhà Lê, thế kỷ 15 – 18… Tháng 4 năm Bính Thìn (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc tử giám, tuyển chọn các văn thần giỏi vào giảng dạy các giám sinh là con cháu vua, quan. Quốc Tử giám được coi là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1484 đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám, đã khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước:"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí". Những người thầy dạy chữ thánh hiền dù làm chức vụ quan trọng của triều đình, hay các thầy đồ trường làng luôn giữ cốt cách, chuẩn mực, thực sự là tấm gương sáng muôn đời ngưỡng mộ.
Hòa cùng dòng chảy lịch sử, Tiên Lãng luôn sản sinh ra những bậc trí thức lớn, tiêu biểu như hai vị Tế Tửu, tức Giám đốc tại Quốc Tử Giám là Phạm Bá và Trần Bân. Tiên Lãng cũng là quê ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một người đức cao vọng trọng, người thầy giáo mẫu mực. Xưa kia Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ khuyên nhà vua xa lánh thú vui chơi xa xỉ, trọng dụng trung thần, bài trừ kẻ gian nịnh cho đất nước hùng mạnh hơn. Vua không nghe lời phải, Trạng Trình bèn từ quan về trí sĩ ở quê, ông mở trường dạy học, đào tạo nên nhiều học trò xuất sắc như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện…
Dưới mái trường làng của vùng đất trước sóng, mặc dù quanh năm đối mặt với nỗi lo cơm áo, nhưng suốt thời kỳ phong kiến, Tiên Lãng có hàng trăm vị đỗ đại khoa, làm quan lớn.
Thời kỳ đổi mới, Đảng và nhà nước ta xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chủ tịch HCM kính yêu xác định rõ Tư tưởng giáo dục là tư tưởng dạy và học để làm người, học để làm việc, học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nền giáo dục mới của Việt Nam được Người định hướng phát triển là nền giáo dục mở mang dân trí; là nền giáo dục toàn dân; là nền giáo dục toàn diện; là nền giáo dục tiên tiến, hiện đại; mục đích của giáo dục là đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa cho đất nước.
Cùng với đất nước, thành phố, giáo dục đào tạo Tiên Lãng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên, yêu trường mến trẻ, dành hết tình yêu, sự tâm huyết để bồi dưỡng con em quê hương. Hiện nay, toàn huyện có trên 2000 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, nhiều người được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Tổng kết mỗi năm học, Tiên Lãng đều xếp tốp đầu thành phố về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đại trà, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và tỷ lệ trúng tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước. Năm học 2013 – 2014, học sinh Tiên Lãng đạt 470 giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và TP, hơn 300 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những hạn chế, đời sống nhiều giáo viên gặp khó khăn, đồng lương eo hẹp, học sinh chú trọng các môn tự nhiên hơn môn văn hóa xã hội, vẫn có một số ít cán bộ giáo viên vi phạm pháp luật, chính sách dân số… Nhưng những cố gắng, kết quả, thành tích mà đội ngũ cán bộ giáo viên trên địa bàn huyện đã và đang đạt được, luôn luôn được khẳng định, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tôn vinh, ghi nhận.
Ngày 20/11 là ngày tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày để các thế hệ học sinh tri ân thầy cô giáo của mình, hy vọng rằng, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Tiên Lãng tiếp tục vượt khó vươn lên, giành sự tâm huyết để rèn đức, luyện tài, đào tạo nên thế hệ con người mới giàu tri thức, sức mạnh, chinh phục đỉnh cao trí tuệ, đóng góp vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.