Sau một thời gian triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn” của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Tiên Lãng đã mang lại những hiệu ích thiết thực đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân. Qua đó, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Đến thăm cửa hàng kinh doanh điện máy Trụ Hà Thị trấn Tiên Lãng. Bên tách trà nóng, anh Nguyễn Văn Trụ - chủ cửa hàng Điện Máy Trụ Hà – đại diện đơn vị sử dụng máy POS chủ cửa hàng cho biết: “Gia đình anh kinh doanh mặt hàng này đã nhiều năm. Hàng năm doanh số mua bán của cửa hàng ước tính hàng chục tỷ đồng. Cửa hàng của anh được Agribank Tiên Lãng lắp đặt hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ đầu tiên của đề án. Việc thanh toán qua POS không những tiết kiệm được thời gian cho người bán hàng trong khâu kiểm đếm tiền mặt mà còn yên tâm không lo nhận tiền thừa thiếu, tiền giả. Mặt khác, tiền được chuyển kịp thời vào tài khoản của người bán hàng nên rất dễ theo dõi và tiện cho việc kiểm soát doanh số bán hàng. Với hình thức thanh toán này, thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của các chủ cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp cũng như tạo cho khách hàng thêm kênh thanh toán tiện ích”.
Gia đình anh Bùi Văn Dũng xã Khởi Nghĩa đầu tư phát triển trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập khá ổn định trong nhiều năm nay, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Dũng bộc bạch: “Để có cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay từ Agribank Tiên Lãng. Đầu tháng 6-2020, gia đình anh tiếp tục được Agribank Tiên Lãng chấp thuận cấp thêm một tài khoản thấu chi, có hạn mức tối đa là 30 triệu đồng. Nhờ tài khoản thấu chi, gia đình chủ động hơn trong việc thanh toán các khoản chi phí như mua giống, mua thức ăn chăn nuôi, mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc vườn cây ăn quả, thanh toán tiền điện, tiền điện thoại”...
Sau một thời gian triển khai đề án, chi nhánh đã phát hành cho khách hàng hàng nghìn thẻ nông nghiệp, nông thôn.... Song song với việc phát hành thẻ, các chi nhánh tích cực liên hệ với các đơn vị, các hộ kinh doanh có cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, các đơn vị cung ứng dịch vụ công như điện, nước, viễn thông,... ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ, đặt POS để phục vụ nhu cầu thanh toán của bà con nông dân. Cán bộ Agribank Tiên Lãng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng thấu chi bằng nhiều hình thức, như: Thanh toán qua POS, thanh toán trên điện thoại di động qua dịch vụ Emobile Banking, SMS Banking, thanh toán qua ATM của Agribank... tạo điều kiện cho người dân sử dụng thấu chi một cách dễ dàng, thuận tiện. Mặc dù đề án mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu đã phát huy được vai trò quan trọng tại khu vực nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ở khu vực; gia tăng số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các sản phẩm dịch vụ; tạo cơ hội mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại khu vực nông nghiệp nông thôn; gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, đồng thời góp phần tăng nguồn thu dịch vụ cho Agribank.
Để động viên, khuyến khích và hỗ trợ khách hàng, trong thời gian đầu triển khai đề án, Agribank đã có nhiều chính sách khách hàng, như: miễn phí phát hành thẻ lần đầu; miễn phí quản lý tài khoản, phí thường niên thẻ năm đầu; miễn phí lắp đặt POS... ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn khi chấp nhận thanh toán thẻ. Có thể khẳng định, với đội ngũ cán bộ, nhân viên nhiệt tình, tâm huyết, có bề dày kinh nghiệm gắn bó với thị trường nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm mới thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn” của Agribank Tiên Lãng sẽ mang lại nhiều hiệu ích mới, cùng cộng đồng xã hội chung tay góp phần thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Vũ Yến