Huyện Tiên Lãng: Đa dạng các sản phẩm nông sản nổi tiếng địa phương
Tiên Lãng – quê hương “trước sóng” bốn mặt giáp sông và biển, là nơi địa linh nhân kiệt không chỉ được biết đến với truyền thống chống giặc kiên cường, mảnh đất hiếu học có hàng chục vị đỗ đại khoa thời phong kiến. Mà còn là mảnh đất hội tụ đa dạng các sản phẩm nông sản nổi tiếng như: gạo, rượu nếp cái hoa vàng, trứng vịt, chuối, rươi...
Vốn là một huyện thuần nông, nên Tiên Lãng có khá nhiều nông sản cung cấp cho thị trường. Hàng năm, nông dân toàn huyện gieo cấy trên 12.500 ha lúa, diện tích cây vụ đông xuân trên 4.000ha, trên 130 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm… Bên cạnh việc gieo trồng các giống lúa mới cho năng suất, sản lượng cao hơn, bà con tại một số xã duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản. Tiêu biểu như giống lúa nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng trồng vào vụ mùa hàng năm. Với 1.000 hộ canh tác, diện tích 285ha, bình quân 5 – 7 sào/hộ. Đây là giống nếp cái đặc trưng, có nguồn gốc và được lưu truyền từ lâu đời tại xã Đại Thắng và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng” vào năm 2016. Gạo nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng hạt ngắn, có hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ; sau khi nấu chín sẽ cho hạt căng, nở đều, màu trắng ngà, bóng, ráo nước, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm, ngậy, có mùi thơm đặc trưng và lâu lại gạo. Xuất phát từ những đặc trưng khác biệt vốn có trong gạo nếp cái hoa vàng, nhiều hộ dân trong xã đầu tư sản xuất rượu nếp cái hoa vàng theo phương pháp cổ truyền, ngâm ủ men, trưng cất và hạ thổ để tạo ra sản phẩm rượu có vị êm, hương thơm, giá thành vừa phải, từ 40 – 50 nghìn đồng/lít.
Nếu như người dân xã Đại Thắng phát huy giá trị từ lợi thế của thổ nhưỡng địa phương để gieo cấy, sản xuất ra gạo nếp cái hoa vàng có vị ngậy, mùi thơm đặc trưng, có sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng vị êm, hương thơm thì người dân khu vực các xã ven biển của huyện như Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, Tiên Hưng (nay là xã Vinh Quang) lại phát huy lợi thế diện tích mặt nước rộng để xây dựng trang trại, gia trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với nuôi vịt đẻ trứng để sản xuất và hình thành nên sản phẩm trứng vịt nổi tiếng. Sản phẩm cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN, Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Đặc sản trứng vịt Chấn Hưng”. Tại nơi đây, số lượng đàn vịt duy trì thường xuyên hàng trăm nghìn con, theo ước tính, mỗi ngày xuất bán từ 50 – 60 nghìn quả trứng.
Theo như hộ gia đình chị Phạm Thị Loan, chủ trang trại tổng hợp tại xã Vinh Quang - một trong những mô hình nuôi vịt đẻ điển hình của địa phương với số lượng lớn cho biết: Hiện tại, với tổng diện tích sản xuất rộng 3,7ha, gia đình tập trung mọi nguồn lực kinh tế vào 2 đối tượng nuôi chính đó là thủy sản và thủy cầm. Đối với thủy cầm, gia đình tập trung cho đàn vịt siêu trứng. Trong chuồng thường xuyên có khoảng 6.700 con vịt. Với đàn vịt này, mỗi ngày vợ chồng chị Loan thu hoạch được 5.500 quả trứng. Nguồn trứng vịt được thương lái đến tận trang trại thu mua. Theo chị Loan, bình quân mỗi năm mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản của gia đình cho thu lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Cũng theo chị Loan để có chất lượng trứng vịt khác biệt, quan trọng nhất là nguồn nước mà tự nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đàn vịt được nuôi tại ven biển, vùng nước mặn, nước lợ trũng, khí hậu phù hợp nên trứng vịt có nhiều lòng đỏ, bùi, ngậy ngon hơn hẳn so với trứng từ các vùng khác.
Bên cạnh thương hiệu “Đặc sản trứng vịt Chấn Hưng”, huyện Tiên Lãng còn được biết đến với sản phẩm Chuối Tây Hưng thơm ngon – được công nhận sản phẩm OCOP. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương; giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Những năm qua, cây chuối vẫn là cây trồng chủ lực của xã Tây Hưng với tổng diện tích cây trồng lên đến 150ha. Chuối Tây Hưng được trồng ở vùng đất phù sa ven biển, đất nước lợ nên quả chuối không chỉ có hình dáng bắt mắt, vỏ ngoài sáng bóng khi xanh, ngả vàng óng khi chín mà chất lượng quả chuối còn rất thơm ngon, bùi ngậy. Với những đặc trưng khác biệt ấy, trung bình mỗi ngày địa phương cung cấp khoảng gần 20 tấn chuối cho thị trường tiêu thụ trong huyện, thành phố và các tỉnh lân cận. Mỗi hecta trồng chuối cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Một trong số những ưu đãi mà thiên nhiên mang lại cho Tiên Lãng nhờ có thổ nhưỡng, có diện tích mặt nước rộng, có nguồn nước phù sa, có vùng nước mặn, nước lợ trũng đó là rươi – đặc sản mà người dân vẫn gọi bằng cái tên thân thương “Rồng đất” hay “Lộc trời”. Với việc mang lại nguồn giá trị kinh tế cao, những năm gần đây người dân trên địa bàn huyện đã và đang biết khai thác lợi thế từ con rươi trên diện tích đầm, vùng của gia đình tại các xã Tiên Minh, Tiên Thanh, Toàn Thắng, Thị trấn… Rươi là động vật tự nhiên, chỉ xuất hiện vào 2 con nước của tháng 9 và tháng 11 âm lịch hàng năm. Rươi không chỉ mang lại giá trị về ẩm thực và dinh dưỡng mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Vào mùa cao điểm, giá thu mua rươi có khi lên tới 400 – 600 nghìn đồng/1 kg, lợi nhuận mang lại cho mỗi hộ sản xuất từ 250 – 300 triệu đồng/năm.
Bằng nhiều hoạt động thiết thực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân, hiện nay, các sản phẩm nông sản nổi tiếng của Tiên Lãng đã và đang có mặt hầu khắp trên thị trường trong huyện, thành phố và các tỉnh lân cận, có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa, bền vững, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân./.
Ánh Sao