Dư chấn tín dụng đen ở Tiên Lãng
Ngày 02/11/2016
Lượt xem: 8148

 

Sau hàng năm trời theo kiện và chờ đợi thi hành án, đến những ngày này gần chục người ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, mới tạm được ăn ngon ngủ yên khi vợ chồng bà Vũ Thị Đoan chịu trả nợ. Tuy nhiên đó chỉ là số ít người may mắn, trên địa bàn huyện Tiên Lãng còn rất nhiều người đang lâm vào cảnh điêu đứng vì đã dồn hết tiền trong nhà, rồi đi vay mượn mang đi cho vay lại mà không biết ngày nào mới đòi được, kể cả khi đã có bản án của Tòa án…

Đẩy cả ruột thịt vào cảnh khốn cùng

Theo phản ánh của người dân ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, cách đây 5, 7 năm về trước, vợ chồng bà Vũ Thị Đoan, ở khu 3, thị trấn Tiên Lãng, đã đứng ra huy động tiền để làm ăn buôn bán bằng nhiều hình như vay lãi, mượn, thế chấp… Với mác chủ tiệm vàng, vợ chồng bà Đoan khá dễ dàng vay mượn của nhiều người với số tiền hàng tỷ đồng. Nhiều người là hàng xóm, anh em bạn bè của vợ chồng bà Đoan cũng tin tưởng huy động tiền của trong nhà, thậm chí đi vay mượn của người khác mang về cho vợ chồng bà ta vay lại nhưng chỉ ghi lại bằng mấy chữ viết tay đơn giản.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi nổi lên như một đại gia nơi phố huyện, vợ chồng bà Đoan bất ngờ tuyên bố vỡ nợ do làm ăn thua lỗ. Lúc này mọi người mới nháo nhào tìm đến gia đình bà ta để đòi nợ, thậm chí còn xảy ra đánh cãi nhau, gây mất an ninh trật tự, nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời: Khi nào thu xếp được sẽ thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt là hàng xóm và cũng là một trong số nhiều chủ nợ của vợ chồng bà Đoan cho biết: Từ năm 2012, bà cùng nhiều người hàng xóm khác chỉ vì cả tin đã dồn hết các khoản tiền tích lũy của gia đình đem cho vợ chồng bà Đoan vay. Đùng một cái, vợ chồng bà ta tuyên bố vỡ nợ và cho biết không còn khả năng thanh toán. Sau thời gian dài đeo đuổi, dù là chủ nợ nhưng có những lúc họ phải nói khó, những mong vợ chồng bà Đoan trả cho một phần nợ để lấy tiền trang trải chỗ vay khác nhưng cũng không được. Bà Nguyệt cho biết thêm, đến năm 2014, không còn cách nào khác, bà và nhiều người hàng xóm khác buộc phải kiện ra tòa. Song, kể cả đến khi tòa án triệu tập thì phải sau nhiều lần vợ chồng bà Đoan mới có mặt để giải quyết. Rồi đến khi đã qua 2 cấp xét xử, các bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vợ chồng bà Đoan vẫn không chịu thi hành án, buộc cơ quan Thi hành án phải ra quyết định cưỡng chế…

Đáng chú ý, trong số chủ nợ còn có cả những người ruột thịt của bà Đoan. Bà ta đã lợi dụng mẽ niềm tin của anh chị em trong nhà vay nợ hàng tỷ đồng. Nhiều người trong số anh chị em bà Đoan hiện lâm cảnh khốn khó, phải đi vay nợ, thế chấp cả nhà cửa của mình để gánh nợ cho bà ta. Khi vợ chồng bà Đoan không chịu trả, cực chẳng đã họ chấp nhận đau xót đưa chính người chị em của mình khởi kiện ra tòa án. Mặc dù đến nay bản án đã có hiệu lực nhưng niềm hy vọng của những người là anh chị em ruột bà Đoan và nhiều chủ nợ khác như bà Vũ Thị Hiền, bà Phạm Thị Hà cùng ở thị trấn Tiên Lãng là rất mong manh. Bởi với số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng, trong khi tài sản của gia đình bà Đoan đến nay gần như không còn gì.

Trên địa bàn huyện Tiên Lãng, không riêng gì vợ chồng bà Vũ Thị Đoan mà còn rất nhiều trùm tín dụng đen khác đang ôm một đống nợ không biết lấy gì mà trả. Về hình thức vay nợ thì giống hệt nhau, các con nợ trước đó đều tạo cho mình một vỏ bọc bằng một vài căn nhà mặt đường với cửa hàng, cửa hiệu hoành tráng. Khi đã tạo được niềm tin bằng khối tài sản “ảo”, các ông chủ bà chủ này lấy lý do tiếp tục đầu tư làm ăn nên cần huy động thêm vốn.

Như một kịch bản có sẵn, khi đã gom được số tiền kha khá, đến một ngày đẹp trời nào đó, các “đại gia” tuyên bố xanh rờn rằng đã… phá sản. Và trong số các con nợ tiền tỷ ở huyện Tiên Lãng không thể không nhắc đến vợ chồng ông Đỗ Đình Thọ và bà Đỗ Thị Hường hay vợ chồng ông Trần Đình Quang và Đỗ Thị Tám, cùng ở khu 5, thị trấn Tiên Lãng. Ngay cả ở những nơi khó khăn nhất của huyện Tiên Lãng là xã Tiên Tiến, bà Đoàn Thị Bíp cũng gom được tiền tỷ của bà con nông dân, sau đó tuyên bố vỡ nợ.

Lòng tham và lỗ hổng pháp lý

Tín dụng đen như cơn bão, mặc dù đã đi qua nhưng vẫn còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề, khiến nhiều người dân đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đã có biết bao gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái ly tán mỗi người một phương để trốn nợ. Cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng giải quyết bao vụ nhiêu xô xát, đánh cãi chửi nhau vì nợ nần, có trường hợp còn thuê người gây áp lực để đòi nợ. Rồi phải phân xử nợ nần bao nhiêu vụ giữa hàng xóm láng giềng, anh em bạn bè và cả người thân với nhau…       

Có thể nói, tín dụng đen là một cái bẫy gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng bẫy tín dụng đen vẫn sập ở nhiều nơi, từ nơi dân trí thấp tại nông thôn cho tới nơi dân trí cao chốn thị thành. Theo báo cáo của Chi cục THADS huyện Tiên Lãng, đến nay cơ quan này đã tiếp nhận hàng chục đơn yêu cầu thi hành án với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đa số các đơn yêu cầu này đều tập trung vào một số “con nợ” trước đó đã huy động theo hình thức tín dụng đen.

Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tiên Lãng Bùi Đức Tiến cho biết: Nguyên nhân của hiện tượng này là lòng tham. Sự nhẹ dạ của các nạn nhân còn tăng thêm bởi bề ngoài “hào nhoáng, thành đạt” và thủ đoạn tinh vi trong việc huy động vốn từ những người thực hiện. Trong quá trình tiếp xúc với các bên đương sự để giải quyết sự vụ thì thấy, tất cả các khoản tín dụng đều không có nhiều thủ tục, không khai báo mục đích vay, thậm chí không có thế chấp, chỉ có một tờ giấy ghi nợ. Những đối tượng huy động vốn đánh đúng vào lòng tham từ việc được trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Vì vậy, nhiều người mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay vốn, sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn, trong khi người vay vốn lại không có tài sản gì bảo đảm cho việc trả nợ.

Trong khi đó, quy định hành vi cho vay tín dụng đen với mức lãi suất cao, người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, những kẻ huy động tín dụng đen rất ma mãnh. Lãi vay sẽ được cắt ngay từ khi giao vốn nên khó quy kết đó là hành vi cho vay nặng lãi. Mặt khác, kẻ huy động tín dụng thường biết lách luật. Vì vậy, tín dụng đen sẽ vẫn có “đất diễn” và thậm chí sẽ ngày càng gia tăng.

Cũng theo ông Bùi Đức Tiến, một khó khăn nữa trong công tác THADS tại huyện Tiên Lãng hiện nay việc các đối tượng phải thi hành án thường xuyên thông tin, liên kết với nhau để tìm cách trốn tránh, chây ỳ, kéo dài thời gian thi hành án, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Vịnh, Trưởng ban chỉ đạo THADS, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cũng khẳng định công tác THADS tại địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng phải thi hành án chây ỳ kéo dài. Theo đó, huyện Tiên Lãng chỉ đạo các cơ quan chức năng kết hợp với chính quyền địa phương tích cực vận động tuyên truyền, đồng thời kiên quyết thực hiện các biện pháp quy định pháp luật đảm bảo việc thi hành án có hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tính nghiêm minh của pháp luật, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

TRẦN VĂN

 

Nguồn: anhp.vn
Ý kiến phản hồi
Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.
Đài Phát Thanh Tiên Lãng xin chân thành cảm ơn !
Captcha

Tin mới hơn
Hiển thị : 10 / 58 kết quả
Trang: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 «  ·  » 
Tin cũ hơn

Thông tin doanh nghiệp

Ý kiến - Phản hồi

  • Tự Cường
  • Tiên Tiến
  • Quyết Tiến
  • Khởi Nghĩa
  • Cấp Tiến
  • Kiến thiết
  • Thị trấn
  • Quang Phục

Liên kết